Vụ lừa đảo gần 100 tỷ đồng: Vì sao phải điều tra bổ sung nhiều lần?
Pháp luật - Ngày đăng : 07:58, 25/09/2014
Một đối tượng trong vụ án thì bỏ trốn; người bị hại lại tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… Phân tích thì thấy vụ án không quá phức tạp.
Lai lịch một doanh nghiệp
Theo bản Cáo trạng ngày 19/6/2014 của VKSND TP Hà Nội, trong năm 2005, Công ty Trường Sinh do ông Thực làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty được thuê 6338m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh, Hà Nội để xây dựng nhà máy sữa đậu nành. Ngày 11/11/2005 Công ty Trường Sinh được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, ngày 29/9/2007, Công ty Trường Sinh chuyển nhượng cho Công ty ADISCO 50% diện tích đất là 3169m2. Sau đó đến ngày 13/11/2007 Công ty Trường Sinh tiếp tục chuyển nhượng 50% đất còn lại là 3169m2 cho ông Duy Đức Tuấn và ông Nguyễn Đình Bang lấy 8 tỉ đồng ( Bang khai là 8,1 tỉ đồng).
Ngày 31/1/2008, ông Thực - Giám đốc Công ty Trường Sinh ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Công ty cho ông Duy Đức Tuấn và Nguyễn Đình Bang, đồng thời ký biên bản giao nhà máy, đăng ký kinh doanh, con dấu của Công ty cho bên nhận chuyển nhượng.
Sau khi có các giấy tờ hợp pháp nói trên, Nguyễn Đình Bang làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Sinh là Nguyễn Đình Bang và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
Bị cáo Bang (phải) và bị cáo Khang
Như vậy, kể từ ngày 1/2/2008 Nguyễn Đình Bang vừa là Giám đốc vừa là người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường Sinh, đồng thời Công ty này có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng 3169m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh, và giấy tờ hợp pháp về kinh doanh cùng con dấu của Công ty. Với điều kiện này, lẽ ra Nguyễn Đình Bang có thể kinh doanh để thu hồi vốn, nhưng vị Giám đốc này lại dùng giấy tờ hợp pháp để lừa đảo kiếm tiền.
Vụ lừa đảo thứ nhất
Vụ lừa đảo thứ nhất nhằm vào đối tượng là ông Thái Khắc Toàn. Thủ đoạn lừa đạo là làm giả giấy tờ làm phương tiện phạm tội và sử dụng “đệ tử ruột” trực tiếp ra tay, còn Bang giữ vai trò điều khiển từ xa và chiếm giữ tiền.
Thực hiện vụ này, ngày 22/10/2009 Bang tự ý ký quyết định vay vốn để xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh, trong khi theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì huy động thêm vốn phải có sự đồng ý của Hội đồng thành viên.
Nguyễn Đình Bang biết Nguyễn Huy Khang không mua cổ phần của Công ty đối với dự án xây dựng ở An Khánh nhưng Bang vẫn xác định Khang đã mua 80% cổ phần dự án An Khánh. Tiếp theo ngày 23/10/2009 Bang đã ký hợp đồng chuyển nhượng 3170m2 đất và tài sản trên đất cho Nguyễn Huy Khang với số tiền 118 tỉ đồng. Hợp đồng này không được sự đồng ý của Hội đồng thành viên.
Thông qua những người thân tín của Khang, ông Toàn đã ưng thuận việc tham gia dự án. Ông Toàn đã cẩn thận xem xét tất cả các giấy tờ liên quan về đất, về dự án, về tư cách pháp lý của Khang trong giao dịch, xem thực tế đất đai, tài sản trên đất, đồng thời gặp Nguyễn Đình Bang để hỏi về các giấy tờ do Khang cung cấp. Ông Toàn được Bang khẳng định những giấy tờ đó là “sự thật”, việc mua bán là “người thật việc thật”. Ông Toàn tin tưởng nên đã chuyển giao ngay số tiền 19 tỉ đồng vào tài khoản của Bang tại Ngân hàng Techcombank và trực tiếp giao cho Bang 3 tỉ đồng với 17.000 USD. Tính ra từ ngày ông Toàn được nghe chào mời dự án đến khi chuyển tiền là một tháng hai ngày.
Sau khi giao tiền, không thấy Khang làm gì để hợp pháp công khai số tiền ông Toàn góp vào Công ty Trường Sinh, nghi ngờ bị lừa đảo, ông Toàn đòi lại tiền nhưng Bang và Khang đều lẩn tránh. Ông Toàn đành làm đơn tố cáo ra cơ quan Công an và đề nghị Công an buộc Khang và Bang trả lại số tiền 22 tỉ đồng và 17.000 USD.
Vụ lừa đảo thứ hai
Bị hại vụ lừa đảo thứ hai là bà Nguyễn Thị Lan Phương. Do bị ông Toàn tố cáo và Công an gọi hỏi nên Nguyễn Đình Bang và Nguyễn Huy Khang tìm cách bưng bít sự thật và giảm nhẹ tội bằng cách lừa đảo lấy tiền của người khác trả lại ông Toàn.
Chiêu lừa kỳ này vẫn thủ đoạn cũ là làm giả giấy tờ nhưng dùng Hoàng Thị Xuân là “đệ tử ruột” của Khang thực hiện hành vi phạm tội. Để Xuân có thể lừa đảo công khai, Bang và Khang đã làm mới một số giấy tờ và khoác cho Xuân chức danh Phó Giám đốc Công ty TNHH Trường Sinh. Các giấy tờ đó là: Ngày 28/5/2010 Bang ký quyết định bổ nhiệm Xuân làm Phó Giám đốc Công ty phụ trách tài chính của Công ty. Ngày 10/10/2010 tự ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần vốn góp của Khang tại Công ty Trường Sinh cho Xuân.
Với những giấy tờ và chức danh Hoàng Thị Xuân đưa ra bà Phương đã sập bẫy của Bang và đồng phạm. Mặc dù trước khi chuyển tiền, bà Phương đã cẩn thận đến thực địa khảo sát, tìm hiểu giấy tờ và quá trình thành lập, chuyển giao Công ty, nhưng vì giấy tờ đầy đủ nên không thể phát hiện gian dối. Bà Phương đã góp vốn 37 tỷ đồng vào Công ty Trường Sinh. Phiếu thu tiền ngày 9/3/2011 có chữ ký người lập biểu Nguyễn Văn Hào, chữ ký kế toán Nguyễn Thị Hương Mai, chữ ký của Phó Giám đốc Hoàng Thị Xuân, có đóng dấu của Công ty Trường Sinh.
Đến khi bà Phương biết mình bị lừa, đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an yêu cầu giải quyết thì Thị Xuân đã có nhiều lời khai về chiêu lừa đảo bà Phương. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Hoàng Thị Xuân đã biến khỏi nơi cư trú một cách khó hiểu.
Theo bà Phương, số tiền góp vào Công ty Trường Sinh nhiều hơn con số 37 tỉ trong phiếu thu. Ngoài bà Phương, các đối tượng Khang, Xuân còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Hòa, ông Trương Quý Mão và ông Dương Anh Văn.
Vấn đề đáng suy nghĩ
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Bang và các đồng phạm đã chiếm đoạt tài sản có giá trị đặc biệt lớn, tính ra đến gần 100 tỉ đồng, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sảo quyệt. Các giấy tờ mà những người phạm tội sử dụng để lừa đảo đều được cơ quan giám định tư pháp kết luận rằng các chữ ký đúng là của Bang, của Khang, con dấu đúng là con dấu của Công ty Trường Sinh. Do đó, có thể nói tài liệu chứng minh tội phạm đối với Nguyễn Đình Bang và đồng phạm là đầy đủ và khách quan, không quá khó để xác định trách nhiệm của Bang và đồng phạm đối với các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã nêu trên đây. Vậy mà vụ án được khởi tố điều tra từ tháng 8/2010 đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử và ra được bản án sơ thẩm. Đó là điều khó hiểu.
Bản cáo trạng cũng không thể hiện được đầy đủ về thủ đoạn, hành vi lừa đảo của người phạm tội, trách nhiệm của từng đối tượng trong vụ án đối với pháp luật đến đâu, như thế nào. Điều đặc biệt đáng chú ý nữa là việc quản lý người phạm tội quá lỏng lẻo khiến Hoàng Thị Xuân tự ý đi nơi khác, làm phức tạp thêm tình hình.
Chúng tôi cho rằng, việc truy nã nhưng chưa bắt được Hoàng Thị Xuân không làm ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết vụ án do vai trò của Bang và Khang đã rõ ràng, Xuân chỉ là người trực tiếp thực hiện tội phạm theo kịch bản dàn dựng sẵn.
Để giải quyết dứt điểm vụ án kéo dài gần 4 năm qua, các tài sản mà cơ quan điều tra thu giữ được của những người phạm tội cần sớm được giải quyết theo nguyên tắc ai bị chiếm đoạt nhiều tài sản thì được bồi thường theo tỷ lệ cao, ai thiệt hại ít thì bồi thường thấp. Trong vụ án này bà Nguyễn Thị Lan Phương là bị hại có số thiệt hại lớn nhất, số tiền đó những người phạm tội dùng để trả lại cho ông Toàn và còn dư nhiều tỷ đồng.