Thừa Thiên Huế: Nỗi đau sau mỗi mùa ươi
Pháp luật - Ngày đăng : 16:41, 23/08/2014
Vì vậy, nhiều người dân đã bỏ công việc làm của mình bất chấp bao lời cảnh báo, đổ xô nhau xâm nhập vào rừng để đốn hạ cây ươi nhằm khai thác quả.
Việc đi hái quả ươi để tăng thu nhập là một việc làm không đáng lên án. Tuy nhiên, điều đang nói ở đây là lối khai thác quả theo kiểu cưa hạ cả cây ngã xuống rồi hái quả khiến giống cây này ngày càng vắng bóng ở nhiều cánh rừng, đồng thời gây ra nhiều hiểm họa tai nạn do cây đè đang là hồi chuông đáng báo động.
Tháng 7/2014, Bệnh viện Huế tiếp nhận một thanh niên tên Hồ Pi Duẫn, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được đưa về từ rừng sâu ở huyện A Lưới với một chân gãy gập do bị cây đè khi khai thác quả ươi. Tránh được sự kiểm soát của lực lượng chức năng khi xâm nhập vào rừng, nhưng người thanh niên này đã không tránh được tai họa do mình và những người trong đoàn gây ra khi khai thác quả ươi .
Tiếp xúc với PV, anh Duẫn cho biết: Anh đi một đoàn khoảng 10 người. Ở trong rừng có hàng chục, hàng trăm đoàn như thế đang tìm ươi. Anh bị cây đè vào chân khi đang nhặt hạt ưTơi, nhiều người trong rừng cũng bị như thế, gãy tay, gãy chân nhiều và chết cũng có. Nếu không có sự giúp đỡ từ nhiều người đi trong đoàn, có lẽ anh đã bỏ mạng giữa rừng vì không được cấp cứu sau nhiều giờ bị cây đổ, đè vào chân.
Để tìm hiểu thêm vụ việc, chúng tôi đến gia đình nạn nhân Hồ Văn Thành, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới - nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc do cây đè. Người đàn ông này đã không thể trở về với vợ con của mình sau chuyến đi rừng vào ngày 10/7 vừa qua. Thân thể của anh được những người đi cùng đưa ra khỏi rừng trong tình trạng nội tạng dập nát, đa chấn thương. Chị Hồ Thị Bé, vợ nạn nhân Hồ Văn Thành tâm sự: Chồng chị đi khai thác quả ươi được một lần về có kể với chị, khi vào đó, anh là người nhặt quả ươi vì khi cưa cây, quả rụng xuống phải tranh thủ nhặt quả chứ khi cây ngã xuống sẽ đè hết quả, không nhặt được. Ngày 10/7, chồng chị đi với một nhóm ba người, vừa vào làm thì bị cây đè chết khi đang nhặt quả ươi, để lại cho chị mẹ già và hai con nhỏ. Tiếp lời con dâu, bà Đoàn Thị Điểm tâm sự: Hôm anh Thành chết, mấy người đi cùng anh Thành đưa thi thể anh về rồi đưa bà 1.000.000 đồng, nói là tiền bán ươi được 4.000.000 đồng, chia nhau.
Không dễ để tự nhận những hành vi sai trái, nhưng những người bị tai nạn trong câu chuyện này cũng như người thân của họ đều nhận thức rõ: Họ đối diện với sự thật bằng những chia sẻ chân thành vì quá thấu hiểu mối nguy hiểm của việc chặt phá cây rừng và không muốn nỗi đau mà mình đang gánh chịu sẽ tiếp tục đổ xuống bất kỳ ai.
Thực tế hiện nay, tình trạng người dân xâm nhập vào rừng khai thác ươi đang rộ lên ở nhiều tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định... Việc hạ cây để thu hoạch quả của những đối tượng vi phạm đã làm nhiều diện tích rừng bị tàn phá. Thế nhưng, cơn sốt thu mua quả ươi vẫn khiến nhiều người tìm đủ mọi cách nhằm lọt qua vòng kiểm soát của lực lượng chức năng để xâm nhập vào rừng. Bất chấp bao lời cảnh báo, nhiều người dân vẫn xâm nhập vào rừng để đốn hạ cây ươi nhằm khai thác quả. Tại một số khu rừng, bóng dáng cây ươi chỉ còn lại trong gãy đổ. Bao gia đình phải gánh lấy hậu quả khi xảy ra tai nạn. Hiểm họa vẫn đang chực chờ trong mọi khu rừng và ập xuống bất cứ lúc nào, với bất cứ ai trong những đoàn người khai thác ươi trái phép này.
Nỗi đau sẽ chưa dừng lại nếu những hiểm họa giữa núi rừng sâu thẳm đó không được nhìn nhận một cách nghiêm túc của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng. Việc ngăn chặn người dân vào rừng khai thác ươi là việc làm cần thiết lúc này để nỗi đau không còn nối dài sau mỗi mùa ươi.