Sinh viên thực tập ở bệnh viện Bạch Mai kể chuyện cách ly tại nhà
Giáo dục - Ngày đăng : 16:35, 01/04/2020
Rồi khi đại dịch bùng phát, du học sinh, Việt kiều về nước tránh dịch, họ tạm gác việc học, việc dạy xung phong ra những tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại ra sân bay, đến các khu cách ly hay các bệnh viện nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để hỗ trợ.
Sinh viên trường y tự cách ly ở nhà, phòng trọ
Bên cạnh những người đang chiến đấu ở các tuyến đầu, thì trong số đó vẫn có những bạn sinh viên – bác sĩ tương lai đang phải cách ly tại nhà do quá trình học môn lâm sàng ở bệnh viện Bạch Mai. Họ không thể trực tiếp ra “tiền tuyến”, họ động viên đồng nghiệp, bạn bè của mình bằng những tin nhắn, cuộc điện thoại hỏi thăm hay thay arvata facebook để gửi thông điệp đồng lòng, đồng sức, đoàn kết đầy lùi dịch bệnh.
Một trong những sinh viên đang phải cách ly tại nhà, bạn Hồ Phi Khánh – sinh viên năm 3 - ngành bác sĩ Đa Khoa – ĐH Y Hà Nội vẫn luôn theo dõi thông tin hoạt động phòng, chống dịch thông qua các diễn đàn, câu lạc bộ, truyền hình. Khánh nói: “Những bác sĩ, y tá, an ninh, quân đội hay tình nguyện viên trực tiếp tham gia chữa bệnh, làm công tác hậu cần khu cách ly là những người chiến sĩ trong thời bình thật sự. Họ mang trong mình trọng trách cao cả cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm covid-19, chống dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng, họ là người hiểu nhất bản thân mình cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Nhưng trong hoàn cảnh này, họ chấp nhận, thậm chí phải làm việc công suất gấp 300-400 lần so ngày thường. Theo dõi từng hoạt động của những người hùng đó, em mong rằng họ thật khỏe mạnh để chiến đấu đến ngày chiến thắng”, Khánh nói thêm.
Hồ Phi Khánh – sinh viên năm 3 - ngành bác sĩ Đa Khoa – ĐH Y Hà Nội.
Được biết, Khánh đang học môn lâm sàng tại bệnh viện Bạch Mai – khi phát hiện ổ dịch ở bệnh viện Bạch Mai, Khánh và nhiều bạn sinh viên nữa cách ly tại nhà. Khánh kể: “Có mấy người hàng xóm hỏi em đi học ở Bạch Mai mà không bị đưa đi cách ly tập trung à? Để họ đỡ lo lắng, em giải thích với họ rằng: Những ai trong diện tiếp xúc gần, đồng thời nếu có triệu chứng mới phải đi thôi. Còn lại bình thường thì ở nhà tự cách ly, không về quê”.
Dẫu là cách ly ở nhà, nhưng Khánh vẫn thường xuyên đo thân nhiệt theo dõi tình hình sức khỏe của mình. “Hiện em trong diện cách ly, tuy nhiên tình trạng sức khỏe ổn định. Em mong tất cả mọi người trong diện cách ly tại nhà cũng hiểu được cách thức cách ly. Còn đối với những người bình thường hạn chế đi lại, thường xuyên sát khuẩn tay, luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để chúng ta sớm đẩy lùi dịch”.
Từ đồng bào
Cũng là một trong những sinh viên phải cách ly tại nhà, Nguyễn Quang Dũng – sinh viên năm 3 ngành Y đa khoa – trường ĐH Y Hà Nội tâm sự: “Khi nghe xong lời nhắn - thông điệp từ GS.TS Nguyễn Quang Tuấn – giám đốc bệnh viện Bạch Mai, em thật sự cảm phục tinh thần của các y bác sĩ hiện đang làm việc ở đó. Đặc biệt giờ họ làm hai vai trò vừa là nhân viên y tế, vừa là người nhà của bệnh nhân chăm sóc bệnh nhân. Đây không còn đơn thuần vì trách nhiệm mà còn là xuất phát từ cái tâm của người hành nghề ngành y. Dẫu hiện nay họ đang trong hoàn cảnh thiếu nhu yếu phẩm, trang thiết bị hàng ngày.
Nguyễn Quang Dũng – sinh viên năm 3 ngành Y đa khoa – trường ĐH Y Hà Nội. Ảnh NVCC.
Dũng nói thêm, hay trong lời nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Người Việt Nam ở nước ngoài, trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”. Khi đọc được câu này thì em thấy thật sự cảm động, đặc biệt là từ " nghĩa đồng bào" của Phó Thủ tướng, ngắn gọn, súc tích, đậm tình người.
Mấy ngày qua, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh anh bác sĩ quỵ xuống quá mệt mỏi trong ca trực, những dấu hằn khẩu trang và kính bảo hộ trên mặt nhân viên y tế; chú tài xế ăn vội bữa cơm hay tình nguyện viên kiệt sức khi hỗ trợ phòng chống dịch em thấy xót xa vô cùng. Hay để chúng ta đẩy lùi dịch covid-19, nhiều y tá, bác sĩ đã về hưu vẫn viết đơn tình nguyện đi làm công tác phòng dịch, hay những em bé học tiểu học đã dùng số tiền mừng tuổi của mình có được để mua khẩu trang phát cho mọi người… dường như tất cả với một suy nghĩ đẩy lùi đại dịch.
“Thế nhưng, vẫn có một số hành động đáng buồn như: Găm hàng tăng giá, đuổi khỏi phòng trọ vì là người ngành y...cho thấy vẫn có một số bộ phận người ích kỉ, chỉ biết lo cho bản thân của mình trước, thờ ơ với người khác và thiếu trách nhiệm với cộng đồng, em mong rằng mọi người hãy nhìn nhận lại”, Dũng nói.
Nguyễn Quang Dũng – từng là thủ khoa khối A1 kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh NVCC.
Đã từng ghen tị với các bạn được nghỉ tránh dịch
Trò chuyện một lúc lâu, Dũng tâm sự thật: “Tuần đầu tiên đi học, thấy các bạn trường khác “nghỉ Tết” tiếp em cũng có hơi buồn và ghen tị. Cộng với dịch bệnh đang diễn biến khó lường bản thân cũng hơi sợ. Tuy nhiên em thấy quyết định của Nhà trường cho sinh viên tiếp tục đi học là đúng đắn”.
Được biết, để ổn định tâm lý, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về diễn biến của dịch cũng như các biện pháp phòng tránh trường ĐH Y Hà Nội có những buổi training cách phòng tránh dịch đặc biệt mời đại diện WHO (tổ chức y tế thế giới) tại Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành đến để trao đổi, hướng dẫn. Đồng thời, nhà trường còn đặt nhiều điểm rửa tay nhanh trong khuôn viên, phát khẩu trang, cung cấp trang thiết bị cho bọn em đi học ở trường cũng như học thực hành ở viện...
“Dần dần thì em cũng đã quen dần với việc đi học trong mùa dịch, tâm lý cũng ổn định hơn. Vẫn đến các bệnh viện học thực hành như bình thường. Cho đến khi, dịch bùng phát, bệnh viện Bạch Mai – nơi chúng em học môn lâm sàn công bố là ổ dịch và chúng em phải cách ly dẫu là cách ly tại nhà”, Dũng nói thêm.