Vì sao nhiều du học sinh ở Nga quyết định ở lại không về nước?

Giáo dục - Ngày đăng : 11:00, 27/03/2020

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số du học sinh Việt Nam đã tìm cách về nước tránh dịch, thế nhưng vẫn nhiều bạn quyết định ở lại tiếp tục học và dũng cảm đối mặt với những thách thức của đại dịch.

Ở lại nước ngoài vẫn rất ổn

Đó là chia sẻ của nhiều du học sinh Việt Nam tại Liên Bang Nga khi quyết định ở lại nước ngoài không về nước để tránh dịch. Theo như chia sẻ của nữ sinh Võ Hoài Phương – ĐH Sư phạm Quốc gia Moscow:  “Em thấy việc quyết định có về nước hay không phụ thuộc vào quan điểm cũng như cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người. Hiện tại, diễn biến tình hình dịch bệnh ở châu Âu khá phức tạp nên nhiều người đang học tập và sinh sống ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này là dễ hiểu. Tuy nhiên, theo em, các du học sinh, thay vì đổ xô về nước tránh dịch thì có thể chủ động thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh tại nước sở tại và có những biện pháp phòng tránh cho bản thân mình”.

Vì sao nhiều du học sinh ở Nga quyết định ở lại không về nước?

Nữ sinh Võ Hoài Phương – ĐH Sư phạm Quốc gia Moscow. Ảnh NVCC.

Phương cũng nói thêm, các bạn cần giữ bình tĩnh, không nên đọc những thông tin từ các nguồn không chính thống rồi hoang mang, lo sợ, thổi phồng vấn đề. Mỗi quốc gia đều có các biện pháp đối phó với dịch bệnh riêng, quan trọng là bản thân các bạn cần có những kiến thức và hiểu biết để tự phòng tránh cho bản thân mình.

Còn theo bạn Ngô Thị Phương Thảo – Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moskva chia sẻ: “Hiện tại để làm hồ sơ về nước, thủ tục sẽ hơi rắc rối và việc nhập cảnh sau khi hết dịch cũng chưa chắc chắn nên em cũng sợ không kịp hoàn thành chương trình học. Ngoài ra, việc ra sân bay vào thời gian này cũng nguy hiểm, em có thể trở thành người mang dịch bệnh về từ bên ngoài. Hơn nữa, em nghĩ nếu hạn chế tối đa việc ra ngoài và làm theo các biện pháp phòng bệnh của bác sĩ thì em tin rằng có thể tự bảo vệ bản thân".

Vì sao nhiều du học sinh ở Nga quyết định ở lại không về nước?

Bạn Ngô Thị Phương Thảo – Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moskva. Ảnh NVCC.

Còn đối với bạn Trần Thị Thoa – Viện tiếng Nga quốc gia mang tên A.X Pushkin chia sẻ: “Em cảm thấy việc ở lại nước ngoài vẫn rất ổn. Ở đâu cũng như nhau, nếu mình hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc gần với người khác và áp dụng đúng các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mình"

"Em vẫn học trực tuyến đều đặn theo sự sắp xếp của thầy cô và nhà trường. Về việc làm thế nào để phòng tránh dịch bệnh thì như đã nói ở trên, em sẽ làm đúng các chỉ thị cũng như các biện pháp phòng tránh dịch bệnh của bộ y tế và nhà nước đã thông báo", Thoa nói.

Nếu ai cũng quyết định về nước sẽ trở thành gánh nặng rất lớn cho xã hội

Là một nghiên cứu sinh của trường ĐH nghiên cứu Quốc gia Misis, dẫu tình hình dịch ở đây diễn biến khá phức tạp  nhưng bạn Nguyễn Viết Xuân vẫn quyết định ở lại không về nước. Xuân chia sẻ: “Hiện tại trường đã chuyển sang học trực tuyến, tuy nhiên có một số môn học thực hành, thí nghiệm, học trên các thiết bị chuyên dụng bọn mình vẫn phải đến lớp. Chính vì vậy, khi quyết định ở lại mình và các bạn đã chuẩn bị những thứ cần thiết, các biện pháp được khuyến cáo nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân”.

Theo Xuân, hiện nay lượng du học sinh và người lao động ở nước ngoài rất đông, nếu ai cũng quyết định về nước sẽ trở thành gánh nặng rất lớn cho xã hội và đồng thời cũng tăng nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Khi quyết định ở lại gia đình bạn cũng ủng hộ và động viên rất nhiều. Theo đó, để ứng phó với đại dịch viêm phổi thì bản thân Xuân chấp hành các quy định ở nơi mình đang sinh sống và học tập, trong đó có các biện pháp nhà nước đưa ra để tránh lây lan virus.

“Chuẩn bị một số nhu yếu phầm cần thiết để có thể hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. Mang khẩu trang và nước rửa tay nhằm ngăn nguy cơ lây nhiễm virus. Uống nhiều nước và rửa tay thường xuyên bằng xà bông. Ăn uống đủ chất và tập thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể”, Xuân nói thêm.

Để hạn chế sự lây lan của dịch, trường Xuân cũng đã cho sinh viên học trực tuyến, tuy nhiên, Xuân và các bạn cũng gặp một số hạn chế nhỏ như khả năng tương tác giữa giáo viên – sinh viên , sinh viên – sinh viên giảm đi. “Về cơ bản vẫn đáp ứng được vấn đề tiếp thu kiến thức. Đồng thời, trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm virus rất cao như hiện nay thì mỗi người cần phải nâng cao tinh thần tự học tập và nghiên cứu”.

Được biết, hiện tại trường Xuân vẫn chưa có trường hợp dương tính với covid-19. Tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì nhà trường sẽ có những biện pháp cách ly nghiêm ngặt và sinh viên cần phải tuân thủ đúng các quy định về cách ly. Sinh viên nước ngoài hay sinh viên của nước sở tại thì đều được nhà trường quan tâm như nhau về mặt giáo dục cũng như sức khỏe. '

“Và ở các ký túc xá thì sinh viên nước ngoài sống cùng phòng với sinh viên bản địa là phổ biến. Vì vậy việc cách ly này sẽ thực hiện theo quy định chung, không phân biệt là sinh viên nước nào”, Xuân cho biết thêm.

Ngô Chuyên