Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014
Tiêu điểm - Ngày đăng : 10:49, 15/01/2019
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền trình bày báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, TANDTC đã tổ chức Sơ kết 3 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Nhiều nỗ lực hoàn thiện tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ
Ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2014. Đây là một trong những đạo luật quan trọng thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước về nhà nước pháp quyền XHCN, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Luật Tổ chức TAND năm 2014 gồm 11 Chương, 98 Điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong TAND; về bảo đảm hoạt động của TAND.
Quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014, lãnh đạo TANDTC và TAND, TAQS các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, chú trọng nâng cao chất lượng công tác xét xử, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, hiện nay hệ thống TAND được tổ chức theo 4 cấp, bao gồm: TANDTC, 3 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh và 710 TAND cấp huyện. Nếu xét theo thẩm quyền xét xử, hệ thống TAND được cơ cấu thành 773 Tòa án cấp sơ thẩm, 66 Tòa án cấp phúc thẩm, 4 cơ quan xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Cơ cấu tổ chức của mỗi Tòa án đã và đang được kiện toàn theo đúng quy định của Luật Tổ chức TAND và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của TANDTC, Chánh án TANDTC đã trình Quốc hội phê chuẩn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm 17 Thẩm phán TANDTC theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Bộ máy giúp việc được tổ chức theo hướng tinh gọn, phân định rõ các chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị nhằm bảo đảm giúp Chánh án TANDTC tổ chức thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ. Học viện Tòa án cũng được thành lập theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 30/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Trường Cán bộ Tòa án.
Đối với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của TAND cấp cao, ngày 28/5/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 thành lập 3 TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; xem xét, thông qua phương án sắp xếp, bố trí cán bộ cho các TAND cấp cao với tổng số 309 cán bộ. Về tổ chức bộ máy, các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc của các TAND cấp cao được thành lập, bảo đảm phù hợp với khối lượng công việc và đặc thù của từng Tòa án. Đối với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, đến nay toàn hệ thống Tòa án có 247 Tòa chuyên trách tại 63 TAND cấp tỉnh, giảm 34 Tòa chuyên trách so với trước đây; 142 Tòa chuyên trách tại 71/710 TAND cấp huyện; bộ máy giúp việc của các TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện cơ bản đã được kiện toàn đầy đủ và đi vào hoạt động hiệu quả.
Về tổ chức của các TAQS, ngay sau khi Luật Tổ chức TAND có hiệu lực thi hành, Chánh án TANDTC đã trình Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; trình Chủ tịch nước chuyển đổi 12 Thẩm phán cao cấp trong số 120 Thẩm phán TANDTC trước đây để phân bổ cho TAQS Trung ương; thành lập Ủy ban Thẩm phán TAQS Trung ương; thành lập bộ máy giúp việc của TAQS Trung ương, TAQS quân khu và tương đương. Theo Nghị quyết số 571/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hệ thống TAQS gồm có TAQS Trung ương, 9 TAQS quân khu và tương đương, 10 TAQS khu vực, với tổng biên chế là 310 cán bộ.
Song song với công tác hoàn thiện về tổ chức bộ máy Tòa án các cấp, TANDTC chú trọng việc kiện toàn đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Công tác bồi dưỡng, tập huấn và chế độ, chính sách cho Hội thẩm nhân dân được bảo đảm.
Ngoài ra, việc thực hiện chức năng xét xử các loại án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; công tác giám đốc việc xét xử của các Tòa án; công tác xây dựng pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; công tác thanh tra, giám sát Thẩm phán, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác hợp tác quốc tế; công tác đào tạo, bồi dưỡng; thi đua, khen thưởng cũng được TANDTC triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao.
Những hạn chế của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các văn bản thi hành
Báo cáo sơ kết đã nêu rõ: Tổ chức bộ máy giúp việc của TAND các cấp còn có những điểm chưa hợp lý; chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trong bộ máy giúp việc còn chồng chéo. Quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán còn có những nội dung cần tiếp tục được cân nhắc, hoàn thiện. Việc ban hành Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC là rất cần thiết; tuy nhiên, có những quy định cần được cân nhắc và nghiên cứu thêm. Chế độ chính sách, tiền lương đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án còn thấp, chưa tương xứng với công việc, trách nhiệm của Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác. Về việc hưởng phụ cấp chức danh tư pháp của các TAQS chưa thống nhất với TAND. Chưa có cơ chế hữu hiệu bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp, nhất là đội ngũ Thẩm phán khi thi hành công vụ. Chế độ bồi dưỡng phiên tòa của Hội thẩm còn thấp so với yêu cầu công việc, trách nhiệm của Hội thẩm.
Về biên chế, thực tế số lượng biên chế của hệ thống Tòa án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ từ năm 2012. Đến nay, số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết đã tăng hơn 80% so với thời điểm năm 2012, dẫn đến tình trạng quá tải về công việc tại các Tòa án. Việc tổ chức thi tuyển công chức do từng TAND cấp tỉnh tổ chức bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Về cơ sở vật chất, nhiều Tòa án có quy mô và diện tích nhỏ, trụ sở, phòng xử án đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn; nhiều TAND cấp huyện gặp khó khăn về phòng xử án, nơi làm việc không đáp ứng quy định mới về phòng xét xử.
Việc bỏ chức năng giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 tạo áp lực về khối lượng công việc lên các TAND cấp cao, nên cần có giải pháp tháo gỡ. Có sự không thống nhất giữa Luật Tổ chức TAND năm 2014 và BLTTHS về thẩm quyền xét xử của Ủy ban Thẩm phán TAQS Trung ương bằng Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán trong lĩnh vực hình sự. Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định TANDTC có các cơ quan báo chí và đơn vị sự nghiệp khác, nên cần được cân nhắc lại để bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng.
Về Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác, thực tiễn xét xử cho thấy các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đều là những vụ án khó, phức tạp, đòi hỏi những người nghiên cứu, giúp việc cho Hội đồng Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn vững vàng, đã có kinh nghiệm xét xử các loại án (là các Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp). Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán sơ cấp công tác tại TAND cấp tỉnh.
Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014
Từ các hạn chế của Luật Tổ chức TAND năm 2014, TANDTC đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc TAND các cấp. Tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TANDTC để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Sửa đổi hoặc ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 28/2004/TTLT/BQP-TANDTC ngày 4/3/2004 hướng dẫn về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và điều động đối với các chức vụ quản lý, chức danh chuyên môn nghiệp vụ trong ngành TAQS; Thông tư số 92/2011/TT-BQP ngày 4/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về tổ chức hoạt động của Hội thẩm quân nhân.
Về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án, TANDTC đề nghị sớm thực hiện việc cải cách chế độ chính sách tiền lương của Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND cho phù hợp với đặc thù hoạt động chuyên môn và yêu cầu cải cách tiền lương. Về biên chế và công tác quản lý cán bộ, lãnh đạo TANDTC đề nghị Bộ Chính trị thông qua Đề án vị trí việc làm của Tòa án và quyết định về biên chế của TAND; tiếp tục tăng cường phân cấp quản lý cán bộ Tòa án địa phương...
Bên cạnh đó, TANDTC đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thành lập thêm TAND cấp cao tại thành phố Cần Thơ, 1 Vụ Giám đốc kiểm tra về án hành chính thuộc bộ máy giúp việc của TANDTC, từ đó sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ giám đốc thẩm các loại án cho phù hợp. Có quy định cụ thể về việc tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAQS Trung ương bằng Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán cho phù hợp giữa Luật Tổ chức TAND và BLTTHS. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với chế độ bồi dưỡng phiên tòa, phiên họp của Hội thẩm nhân dân.
TANDTC đề nghị Quốc hội cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014 theo hướng: tại TANDTC có Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp; tại TAND cấp cao có Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp. Cơ cấu tổ chức của TANDTC gồm: Hội đồng Thẩm phán TANDTC; bộ máy giúp việc; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; các cơ quan báo chí và đơn vị sự nghiệp công lập khác. Giao cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định về một số loại vụ việc của TAND cấp huyện có hiệu lực pháp luật. Quy định người đang giữ chức vụ Chánh án, Phó Chánh án không được bổ nhiệm lại Thẩm phán thì đương nhiên thôi giữ chức vụ nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác cán bộ.