Kiểm tra công tác cải cách tư pháp tại Tây Ninh: Nghị quyết 49 đã đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực
Chính trị - Ngày đăng : 10:20, 28/08/2013
Tiếp đón và báo cáo với Đoàn có đồng chí Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP và đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Hòa Hiệp, Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh. Cụ thể trong 10 tháng, toàn ngành Tòa án tỉnh Tây Ninh thụ lý các loại vụ án 10.189 vụ, giải quyết 8.211 vụ, đạt gần 81%, trong đó tỉ lệ xét xử án hình sự sơ, phúc thẩm đạt trên 85%; tỉ lệ án bị hủy, sửa dưới 1%, án bị hủy chủ yếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán, do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bỏ lọt tội phạm, xác định sai tội danh; vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản” bị hủy do chưa điều tra làm rõ tài sản bị trộm. Án bị sửa chủ yếu do xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm không đúng pháp luật; hoặc mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo chưa phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; hoặc bị cáo đã bồi thường thiệt hại xong, bị hại có đơn bãi nại; tính thời gian thử thách đối với bị cáo cho hưởng án treo không phù hợp; hoặc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo... Tỷ lệ giải quyết án dân sự và các loại án kiện khác bình quân đạt gần 80%, trong đó số vụ, việc hòa giải thành đạt khá cao, gần 52%.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh
Toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhiều vụ án hình sự phức tạp, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và sự độc lập của các cơ quan tư pháp; tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương xảy ra vụ án, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân. Không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, vai trò trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, của luật sư, bị cáo và của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa. Chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên, không có bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự...
Thay mặt Ban Chỉ đạo CCTP Tỉnh ủy Tây Ninh, đồng chí Lê Minh Trọng đã báo cáo với đoàn kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW. Trong đó, hoạt động xét xử có nhiều tiến bộ, chất lượng xét xử từng bước được nâng lên, bảo đảm tính khách quan, bình đẳng bằng việc thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: tình hình tội phạm có xu hướng diễn biến phúc, trong khi đó tỉ lệ điều tra khám phá án truy xét chưa cao. Công tác kiểm sát điều tra ngay từ đầu một số vụ án chưa chặt chẽ, dẫn đến có vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung, một số vụ án hình sự sơ thẩm bị hủy, cải sửa. Án quá hạn và tỉ lệ án bị hủy mặc dù có khắc phục giảm nhưng vẫn còn một số vụ bị hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, do lỗi chủ quan của Thẩm phán, Kiểm sát viên. Đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp còn thiếu, quá tải công việc; tổ chức và hoạt động luật sư, giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu tố tụng và nhiệm vụ cải cách tư pháp. Cơ sở vật chất nhìn chung còn khó khăn, nhất là các huyện được tăng thẩm quyền.
Thay mặt đoàn kiểm tra, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị cũng như những nỗ lực và kết quả đạt được của các ngành trong khối Tư pháp tỉnh thời gian qua. Những kiến nghị, đề xuất của tỉnh về những khó khăn, vướng mắc sẽ được Đoàn phản ánh đến Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, tuy nhiên đồng chí đề nghị Tỉnh ủy Tây Ninh bổ sung Báo cáo tổng kết 8 tháng cần kiến nghị rõ, cụ thể hơn những vấn đề chế độ đãi ngộ, chế độ chính sách cho hoạt động tư pháp và kiến nghị này là kiến nghị đến Trung ương chứ không kiến nghị Chính phủ; đồng thời có quan điểm rõ là có tiếp tục thực hiện hay là tổng kết NQ và đề nghị Bộ Chinh trị ra NQ mới.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, yêu cầu Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao công tác tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49 tại địa phương theo hướng hiệu quả, khoa học; tăng cường đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế với các tỉnh của Vương quốc Campuchia có chung đường biên giới, khắc phục tình trạng chỉ mới có hoạt động hợp tác của ngành Công an, còn ngành Tòa án, VKS chưa có hoạt động gì. Đối với hoạt động của TAND tỉnh Tây Ninh, đồng chí nhấn mạnh: “Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo bản án của Tòa công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, thực hiện Chỉ thị 03 gắn với phong trào thi đua của ngành và cuộc vận động thực hiện NQ TW 04 (bao gồm 3 nhóm nội dung cơ bản đó là công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ; kiểm điểm phê bình và tự phê bình, thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ). Làm tốt công tác tuyển dụng, tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán (phối hợp với Tòa án TP Hồ Chí Minh, CQTT phía Nam để làm tốt công tác này). Đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, quản lý án, phân án khoa học, khách quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin… Coi đây là là 3 khâu đột phá để hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành.
Đắc Minh