Các trường đại học ở Việt Nam lên ý tưởng đẩy lùi dịch virus Corona
Giáo dục - Ngày đăng : 14:42, 10/02/2020
Nhiều trường pha chế nước rửa tay
Trong khi trên thị trường đang “cháy hàng” các loại nước rửa tay sát khuẩn và giá khẩu trang tăng vọt, nhiều trường đại học đã đưa ra ý tưởng pha chế nước rửa tay để phục vụ cho sinh viên, cán bộ và giảng viên trong trường.
Một trong những trường đầu tiên pha chế dung dịch nước rửa tay sát khuẩn ở miền Bắc là ĐH học Phenikaa. Trường đã pha chế dung dịch rửa tay để phục vụ sinh viên, giảng viên nhà trường. Chia sẻ với Báo Công lý, PGS. TS Lê Hiếu Học – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, ý tưởng pha chế nước rửa tay này được hình thành khi một giảng viên Khoa Điều Dưỡng của Trường chia sẻ trên Facebook cá nhân công thức pha chế này trước hiện tượng khan hiếm và tăng giá đột biến của các sản phẩm phòng ngừa lây lan của bệnh dịch như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn… Ngay lập tức, nhà trường đã thảo luận nhanh và nhất trí chủ trương, phân công nhóm các thầy cô giáo và các em sinh viên Khoa Dược, Điều dưỡng và Khoa học Cơ bản xây dựng kế hoạch pha chế dung dịch nước rửa tay sát khuẩn nhanh.
Nhiều trường đại học đã lên ý tưởng pha chế nước rửa tay để phát miễn phí cho sinh viên.
PGS Học cũng cho biết, công thức pha chế nước rửa tay của Trường hoàn toàn dựa trên công thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm Cồn Ethanol 96%, nước oxy già (Hydrogen peroxide) 3%, Glyxerin 98%, nước cất hoặc nước đun sôi để nguội.
“Phương pháp pha chế tương đối đơn giản, nhất là đối với các giảng viên trong lĩnh vực hoá, dược, sinh học. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý trong khuyến cáo của WHO là “nếu chiết xuất ra một loại bình khác bắt buộc phải ủ 72 giờ mới đảm bảo loại bình này được sát khuẩn và đủ điều kiện đưa vào sử dụng”, PGS Học lưu ý.
Theo kế hoạch, dung dịch nước sát khuẩn nhanh do giảng viên và sinh viên của Trường pha chế được phục vụ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường và hơn 2000 công nhân của Tập đoàn Phenikaa sử dụng trong đợt dịch virus Corona mới gây ra. Đồng thời, Trường cũng sẽ phát tặng nước rửa tay này cho các khu dân cư xung quanh Trường, các trường THPT trên địa bàn Quận Hà Đồng (Hà Nội), các trường học tại một số địa phương và khu vực vùng cao.
Bên cạnh đó, PGS Học cũng nêu ra những khó khăn mà trường gặp phải trong quá trình triển khai đó là giá vật tư pha chế (cồn) và bao bì (chai, lọ) ngày một tăng cao và khan hiếm. Do đó, nếu các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng các vật tư này có thể cùng đồng hành với Trường thì khả năng hỗ trợ cộng đồng trong việc phòng chống dịch 2019-nCoVc cũng như hình thành nếp sống lành mạnh, an toàn sẽ được mở rộng và hiệu quả hơn.
Cũng giải quyết bài toán khăn này, nhiều trường như ĐH Thủy Lợi, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Hàng Hải cũng pha chế nước rửa tay khô để phát miễn phí cho sinh viên, cán bộ và giảng viên.
Việt Nam chế tạo thành công bộ test nhanh virus corona
Mới đây, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Bách khoa Hà Nội và cộng sự công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh virus corona (2019-nCoV) chủng mới trong 70 phút thay vì 3 tiếng như trước đây.
Theo đó, quy trình phát hiện chủng vi rút Corona mới (2019-nCoV) từ mẫu bệnh phẩm (dịch hầu họng) có 2 giai đoạn:
Tách chiết RNA: trong giai đoạn này, hạt vi rút có trong mẫu sẽ bị ly giải dưới tác dụng của dung dịch đệm tách chiết để giải phóng RNA của vi rút, tiếp đó dung dịch này sẽ được đưa qua cột silica để RNA bám lên cột. Sau quá trình rửa, RNA sẽ được hòa tan trong nước để được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo. Toàn bộ giai đoạn tách chiết RNA diễn ra trong vòng 30 phút.
Sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh virus corona (2019-nCoV) chủng mới trong 70 phút thay vì 3 tiếng như trước đây. Ảnh PH.
Khuếch đại vùng gen đích của vi rút bằng kỹ thuật RT-LAMP: đầu tiên RNA sẽ được phiên mã ngược thành DNA để thực hiện phản ứng khuếch đại LAMP dưới tác dụng của enzym Bst DNA polymerase và 6 mồi hướng đến 8 vùng trình tự đặc hiệu của chủng nCoV. Sau khi ủ ở 63ºC trong 30 phút, vùng trình tự gen đích này sẽ được khuếch đại đến hàng tỷ lần, kết quả là làm thay đổi màu dung dịch của phản ứng. Các mẫu dương tính có màu đổi từ hồng sang vàng trong khi đó mẫu âm tính vẫn giữ màu hồng. Quá trình chuẩn bị và thực hiện phản ứng LAMP diễn ra trong vòng 40 phút.
Theo chia sẻ của TS Lê Quang Hòa - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), cái ưu điểm của kỹ thuật RT-LAMP là ứng dụng tại hiện trường, kỹ thuật này yêu cầu cách thực hiện đơn giản, quy trình không quá phức tạp đồng thời có khả năng ứng dụng tại các bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện dã chiến được khi có dịch bùng phát chúng ta có khả năng khoanh vùng dịch
TS Lê Quang Hòa cùng thành viên trong nhóm đang thực hiện nghiên cứu. Ảnh PH.
Được biết, ý tưởng của nhóm bắt đầu từ đầu năm 2020 khi mà Trung Quốc báo lên cho WHO có một số trường hợp bị viêm phổi mà không xác định được nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đã theo dõi thông tin đó hết sức chặt chẽ. "Đến ngày 13/1/2020 Trung Quốc đã công bố tác nhân và trình tự Gen của chủng Coronavirus mới gây ra lập tức so sánh các trình tự và tiến hành thiết kế mùi và tổng vệ sinh nhân tạo sẵn sàng sau tết chúng tôi tiến hành nghiên cứu tối ưu hóa quy trình và đến nay đã đạt kết quả", TS Hòa cho hay.