TANDTC tập huấn pháp luật và tuyên truyền Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:09, 24/12/2018

Ngày 24/12, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến pháp luật về giao dịch bảo đảm và kế hoạch tổ chức quán triệt, tuyên truyền Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

TANDTC tập huấn pháp luật và tuyên truyền Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, Nguyễn Thúy Hiền; lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, Thẩm tra viên, Thư ký và các điểm cầu trong hệ thống TAND.

Hội nghị tập huấn trực tuyến pháp luật về giao dịch đảm bảo nhằm bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ xét xử cho các Thẩm phán, Thẩm  tra viên, Thư ký để áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án được thống nhất và đúng đắn, nâng cao chất lượng xét xử. Việc tập huấn cũng là dịp để lãnh đạo các đơn vị, các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký học hỏi chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - Thành viên Tổ biên tập Bộ luật Dân sự 2015 đã trình bày khái quát các quy định của chế định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong BLDS 2015.

TANDTC tập huấn pháp luật và tuyên truyền Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán

Ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày các quy định của chế định tại Hội nghị 

Theo đó, so với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự hiện nay đã thể hiện những thay đổi lớn trong tư duy chính sách về vấn đề này như xác định đúng bản chất của đối tượng đăng ký.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đối tượng đăng ký là các biện pháp bảo đảm hay nói cách khác chính là đăng ký các quyền liên quan đến tài sản (quyền cầm cố, quyền thế chấp…), mà không phải là đăng ký giao dịch (hợp đồng) như Bộ luật Dân sự năm 2005.

Cách tiếp cận này là hoàn toàn phù hợp, vì bản thân hợp đồng đã có hiệu lực giữa 02 bên kể từ thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, còn việc đăng ký là để công khai quyền liên quan đến tài sản với người thứ ba, từ đó làm phát sinh hiệu lực đối kháng theo quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, nếu như Bộ luật Dân sự năm 2005 tiếp cận đăng ký giao dịch bảo đảm ở góc độ là nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thế chấp (khoản 2 Điều 350, khoản 2 Điều 717, khoản 1 Điều 719) thì Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận mang tính chất đổi mới về đăng ký biện pháp bảo đảm, đó là lần đầu tiên quy định đăng ký biện pháp bảo đảm dưới góc độ “quyền” của tổ chức, cá nhân trong xã hội. Do đó, việc Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp cận đăng ký biện pháp bảo đảm dưới giác độ quyền công dân mang lại giá trị thực tiễn rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ đăng ký biện pháp bảo đảm, góp phần xóa bỏ thói quen “ban phát”, “ban ơn” và tạo lập, xây dựng “văn hoá” phục vụ người dân khi có yêu cầu đăng ký.

Một điểm mới nữa của Bộ luật Dân sự năm 2015 là đã khắc phục được hạn chế của Bộ luật Dân sự năm 2005, lần đầu tiên trong Bộ luật Dân sự đã thể hiện một cách rõ ràng định hướng xây dựng Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của nước ta trong thời gian tới.

TS Hồ Quang Huy nhấn mạnh: Bộ luật Dân sự năm 2015 bước đầu đã tiếp cận các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dựa trên một số nền tảng của lý thuyết vật quyền, đồng thời tiếp tục phát triển những nguyên lý, những quy định còn phù hợp của các Bộ luật Dân sự trước đó, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2005. Cách tiếp cận như vậy là phù hợp với thực tiễn Việt Nam, cũng như sự phát triển của khoa học pháp lý trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế định này với những quy định thực sự đầy đủ, toàn diện hơn nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cũng như phù hợp với các nguyên tắc chung về các biện pháp bảo đảm đã được sự thừa nhận của pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới.

Để góp phần triển khai, pháp luật về giao dịch bảo đảm có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền mong muốn các các đồng chí Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký sẽ vận dụng những điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 cùng với những kiến thức đã tiếp thu, lĩnh hội trong đợt tập huấn này để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Chu Thành Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã phổ biến Kế họach tổ chức quát triệt, tuyên truyền Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán và giới thiệu một số văn bản bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật do TANDTC ban hành.

Đỗ Việt