Doanh nghiệp và người sử dụng lao động ảnh hưởng đến sự sống còn của các trường đại học
Giáo dục - Ngày đăng : 10:54, 12/12/2019
Trong phiên làm việc thứ 4 Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII ngày 12/12, chị Nguyễn Thị Hương Giang, Phó chủ tịch Hội sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam, hỏi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Tìm kiếm việc làm luôn là vấn đề được quan tâm. Vấn đề này không mới, nhưng trong thời gian tới, liệu có chính sách nào cụ thể để sinh viên tiếp cận thông tin chính thống, để có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo và khả năng của mình?
Đại biểu đặt câu hỏi tại đại hội.
Trước câu hỏi đó của đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang, Phó chủ tịch Hội sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là mục tiêu hiện nay của ngành giáo dục. Trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để tăng thêm sự minh bạch cho người học, phụ huynh.
Tuy nhiên, về sự tin cậy, chính xác của các số liệu được công bố là điều cần phải xem xét. Do đó, hiện Bộ GD-ĐT đang học tập kinh nghiệm quốc tế, đang xây dựng tiến tới việc kiểm tra dữ liệu này cho chính xác. Để cho phụ huynh và xã hội lựa chọn việc học trường nào, ngành nào phải gắn với nghề nghiệp để tìm được việc làm khi ra trường.
Giải pháp lớn nữa là trong chương trình đào tạo thì chúng tôi đã đưa ra quy trình đào tạo, kiểm định các chương trình đào tạo bắt buộc chương trình đào tạo đó phải dựa trên việc khảo sát, lấy ý kiến của ứng với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp đưa vào chương trình đào tạo.
Trong quá trình đào tạo việc gắn kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp là một nhu cầu bắt buộc hiện nay. Kiểm định về chương trình đào tạo để làm sao đào tạo của nhà trường gắn với thực tế nhu cầu của doanh nghiệp và ngoài xã hội cái đó mà trong những giải pháp mà chúng tôi đang đẩy mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
“Ngoài ra, hiện trong các hoạt động, không chỉ về đào tạo mà nghiên cứu khoa học, chúng tôi đều chỉ đạo các trường đại học gắn kết, xem doanh nghiệp và người sử dụng lao động là đối tác vô cùng quan trọng, có thể nói là sống còn, ảnh hưởng đến sự phát triển của các trường đại học, để việc đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, để các em ra trường phải tìm được việc làm”, ông Phúc nói.
Cũng tại phiên họp này, trả lời câu hỏi anh Trần Duy Quân, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên TP.HCM, về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ, thứ trưởng Phúc, cho hay hiện GD-ĐT đang phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư dưới sự chỉ đạo Ban Bí thư đang tích cực rà soát, xây dựng chương trình giáo dục lý luận chính trị mới trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, nhiều nội dung, phương pháp môn học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ đổi mới để lôi cuốn người học hơn. "Hiện cơ bản đã làm xong việc này và ban hành chương trình mới trong thời gian sắp tới", ông Nguyễn Văn Phúc cho hay.
Đại biểu về tham dự đại hội.
Nói rộng về vấn đề liên quan tới giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh dạy chữ đi song song với dạy người. Toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh nội dung này.
"Vừa qua, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, Ban Bí thư cũng nhấn mạnh phải tăng cường nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống. Để xây dựng đất nước giàu lên thì phải có văn hóa, giữ gìn truyền thống tốt đẹp thì mới thực sự xây dựng đất nước hạnh phúc. Mong Hội Liên hiệp Thanh niên, mỗi đại biểu là một đại sứ trong việc này vì đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ GD-ĐT, Chính phủ cố gắng hết sức nhưng mỗi bạn phải cùng chung tay góp sức vào, đi đầu gương mẫu để đất nước chúng ta khi giàu có thì văn minh, hạnh phúc", Thứ trưởng Phúc nói.