Bất ngờ thú vị tại ngôi trường có hàng ngàn “lão” học viên
Giáo dục - Ngày đăng : 16:44, 19/11/2019
Bất ngờ từ những học sinh đặc biệt
Thực tế, từ lâu các “lão” học viên của Trường trung cấp Tây Sài Gòn đã là những người thầy thuốc, lương y, đã nhiều năm khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho người dân theo phương pháp y học cổ truyền.
Có đến 4 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 15 bác sĩ và hơn 1.500 học viên hành nghề Đông y trên khắp cả nước, lẫn Việt kiều đã và đang theo học ngành Y sĩ Y học cổ truyền (YHCT) tại Trường trung cấp Tây Sài Gòn. Đặc biệt hơn nữa, học sinh của trường còn có những đại gia đình cả thảy đến 15 người, gồm anh em, vợ chồng và các cháu cùng đi học. Hay có những trường hợp: 4 cha con học chung lớp như gia đình ông Phạm Văn Tiếp, 3 mẹ con của chị Nguyễn Thị Son đến từ tỉnh Tây Ninh, 3 chị em ruột của chị Trương Thị Ngọc Hà đến từ An Giang và 17 cặp vợ chồng khác… Bên cạnh đó, còn có không ít học sinh dù đã ở tuổi U60, nhưng sau khi tốt nghiệp ngành Y sĩ YHCT lại tiếp tục đăng ký học thêm ngành Dược sĩ Đông y.
Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng "lò vôi") và Lương y Võ Hoàng Yên (thứ 3, thứ 4 từ phải qua) thăm và chúc mừng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
Những con số đặc biệt trên là biểu hiện điển hình về tinh thần hiếu học, “học tập suốt đời”, một đức tính quý báu của dân tộc ta. Đồng thời, chúng ta cũng thêm trân trọng sự đam mê, yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, chấp hành pháp luật của từng học viên đối với nghề truyền thống của gia đình nói riêng, và nghề y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam nói chung.
Chính những điều đặc biệt đó, Trường trung cấp Tây Sài Gòn – nơi tiên phong trong cả nước đào tạo ngành Y sĩ y học cổ truyền không chỉ mang lại những bất ngờ thú vị trong hệ thống giáo dục, mà quan trọng hơn, nơi đây còn góp phần “chuẩn hoá” đội ngũ lương y, vực dậy thế mạnh của phương pháp khám chữa bệnh theo y học cổ truyền vốn gần gũi, quen thuộc, với nhiều ưu điểm và hiệu quả diệu kỳ.
Những người thầy không ngại làm học sinh
Trao đổi với phóng viên tại Hội trại truyền thống chào mừng “Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019” của Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, “lão” học sinh Bùi Văn Mưa, học sinh lớp 17YS1102 cho biết: “Tôi năm nay đã 73 tuổi, làm nghề Đông y cũng đã hơn 40 năm. Tuy nhiên, tôi cũng như hàng ngàn học viên đã và đang theo học ngành Y sĩ YHCT tại trường Tây Sài Gòn, đi học trước hết là thực hiện nghiêm túc Luật Khám chữa bệnh mới, với quy định để được cấp phép hành nghề Đông y phải có giấy chứng nhận là Đông Y tương đương như Văn bằng Y sĩ Y học cổ truyền. Kế đó là, để nâng cao tay nghề, bắt kịp với các kiến thức, phương pháp, kỹ thuật mới của nền y học hiện đại.
Thạc sĩ Nguyễn Khắc Thương - Hiệu trưởng Trường trung cấp Tây Sài Gòn trao bằng tốt nghiệp ngành Y sĩ YHCT cho các "lão" học sinh
Trước giờ, nghề Đông y ở nước ta chủ yếu là tự phát triển theo kiểu “cha truyền, con nối”, nhưng qua gần 2 năm theo học tại trường Tây Sài Gòn, tôi thấy rằng, việc đào tạo để chuẩn hoá tay nghề cho các lương y như chúng tôi là rất cần thiết. Bởi, thông qua chương trình, nội dung đào tạo được phân bổ rất khoa học, thiết thực của nhà trường, chúng tôi có thể tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới, rất bổ ích, giúp phát huy hiệu quả điều trị thực tế cao hơn so với trước đây”.
“Tôi mong rằng, Trường trung cấp Tây Sài Gòn sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng, để đào tạo ngày càng nhiều lương y phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày một tốt hơn”, “cụ” học viên Bùi Văn Mưa bày tỏ mong muốn.
Cùng ở tuổi ngoài thất thập, hai “lão” sinh viên Bùi Văn Ba và Nguyễn Văn Nghiệp đến từ tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi đều đã làm nghề đông y hơn 25 năm. Nhưng qua thông tin và thấy cách làm thực tế từ những người bạn đồng nghiệp đã tốt nghiệp ngành Y sĩ YHCT tại Trường Tây Sài Gòn, chúng tôi nhận thấy họ đã hành nghề một cách chuẩn mực, bài bản và hiệu quả điều trị bệnh nhân cũng đều nâng cao hơn so với trước đây. Do đó, chúng tôi đã quyết định đăng ký học ngành YHCT tại Trường Tây Sài Gòn.
Các "lão" học sinh U80 đang học ngành Y sĩ YHCT tại trường Tây Sài Gòn
Tuổi cao hoàn toàn không hề là rào cản khi chúng tôi đi học tại trường này, bởi học ở đây rất vui vì rất nhiều lương y, thầy thuốc lớn tuổi giống như mình. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi được các thầy cô của trường tận tình truyền đạt những kiến thức mới và các phương pháp phối kết hợp giữa Đông y và Tây y, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bằng phương pháp YHCT”.
Trải qua hơn một năm học, cả hai “cụ” học sinh ngành Y học cổ truyền của trường đều phấn khởi khẳng định: “Thực tế đi học tại trường Tây Sài Gòn, chúng tôi thấy được nhiều điều hay và bổ ích hơn cả những lời giới thiệu của bạn bè. Được cập nhật thêm kiến thức và tham gia những chương trình như “Hội trại truyền thống” chào mừng Ngày nhà giáo hôm nay đã giúp chúng tôi như trẻ lại vì được sống lại thời học trò vui tươi cách đây gần 60 năm. Khi đến đây học mới thấy những kiến thức về ngành nghề của tôi đang làm vẫn còn hạn hẹp và cần phải bổ sung nhiều kiến thức lắm”.
Bất ngờ, thú vị và đặc biệt là những điều mà chúng ta có thể nói đến Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, bởi không chỉ những người thầy thuốc, lương y vui vẻ khi trở thành “lão” học sinh, mà ngay cả tiến sĩ cũng không ngại làm học sinh của ngôi trường đặc biệt này. Đó là trường hợp của Tiến sĩ hóa học Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long (Trưởng khoa Hóa - Trường ĐH Lạc Hồng). “Tôi mê y học cổ truyền từ lâu mà chưa có dịp học. Học chương trình này ít nhất là mình có kiến thức về y học để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình. Hơn một năm theo học, tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức cho việc nghiên cứu, giảng dạy ngành công nghệ thực phẩm. Đặc biệt, kiến thức về dược liệu, thảo dược... giúp tôi khá nhiều trong biên soạn giáo trình giảng dạy môn thực phẩm chức năng”, Tiến sĩ Long chia sẻ.
Hai học sinh U60 Trần Từ Thiện và Nguyễn Văn Nhi đã tốt nghiệp ngành Y sĩ YHCT hiện đang tiếp tục học thêm ngành Dược sĩ Đông y tại trường Tây Sài Gòn
ThS. Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn chia sẻ: “Trong những năm gần đây, sự phát triển của Y học cổ truyền nói chung đã làm gia tăng số lượng các Lương y lên rất nhiều. Tuy nhiên, để hành nghề khám chữa bệnh bằng YHCT, theo luật khám chữa bệnh mới nhất ban hành, thì các Lương y này cần phải được đào tạo “chuẩn hoá” tay nghề với bằng chứng nhận tối thiểu là Y sĩ YHCT.
Bản thân tôi khá bất ngờ trước những học viên của mình và bày tỏ sự trân trọng đối với những “cụ” học viên đã và đang theo học ở trường khi quyết định mở ngành học này với mong muốn gìn giữ và phát huy “cái nghề” truyền thống của dân tộc. Và thật mừng khi ngành này ra đời đã thu hút và đáp ứng được nhu cầu của xã hội”.
“Học Trung cấp Y học cổ truyền tại Trường Tây Sài Gòn, người học sẽ được đào tạo đảm bảo tốt kỹ năng chẩn đoán bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền như quan sát bệnh nhân và hoàn cảnh; Văn chẩn (lắng nghe âm thanh từ thể trạng và tâm sự của bệnh nhân); Vấn chẩn (hỏi bệnh nhân và người nhà những điều liên quan); Thiết chẩn (khám bằng tay và dụng cụ) để xác định bệnh trạng. Ngoài ra có thể:
Khám, chẩn đoán, điều trị chủ yếu bằng y học cổ truyền, kết hợp với các xét nghiệm của y học hiện đại nhằm nâng cao tính an toàn, hiệu quả của phương pháp y học cổ truyền.
Khám chẩn đoán bằng cả y học cổ truyền và y học hiện đại, tùy theo giai đoạn từng bệnh, lựa chọn điều trị phù hợp theo y học hiện đại hoặc y học cổ truyền hoặc kết hợp cả hai phương pháp theo cách tương hỗ”, Ths Nguyễn Khắc Thương cho biết thêm.