Tòa án quân sự Việt Nam và Campuchia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xét xử
Tiêu điểm - Ngày đăng : 11:04, 28/11/2018
Hội đàm giữa TAQS Việt Nam và Campuchia
Tại buổi hội đàm, Trung tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương giới thiệu những nét chính của hệ thống TAQS Việt Nam với Đoàn công tác cấp cao TAQS Campuchia.
Theo đó, TAQS Việt Nam là một bộ phận nằm trong hệ thống TAND. TAQS được chia thành 3 cấp gồm có: TAQS Trung ương; các TAQS quân khu, TAQS Quân chủng Hải quân, TAQS Thủ đô Hà Nội; các TAQS khu vực. Thẩm quyền chung của TAQS Việt Nam là xét xử các vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ; công chức, công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra, dân quân tự vệ phối hợp với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do quân đội trực tiếp quản lý; tội phạm liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội; tội phạm trong thời gian thiết quân luật.
Hệ thống pháp luật mà TAQS áp dụng khi xét xử cũng thống nhất với các TAND và TAQS trên toàn quốc đó là BLHS, BLTTHS, BLDS, BLTTDS... TAQS thực hiện việc xét xử theo hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. TAQS xét xử tập thể, quyết định theo đa số; xét xử có sự tham gia của Hội thẩm quân nhân.
Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hội đồng xét xử sơ thẩm thông thường gồm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm; những vụ phức tạp, có khung hình phạt đến tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 Thẩm phán và 3 Hội thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm thông thường gồm 3 Thẩm phán. Những vụ án có khung hình phạt đến tử hình, những vụ án phức tạp có thể gồm 3 Thẩm phán và 2 Hội thẩm; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
Hiện nay, các TAQS Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử như: tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, công khai bản án, tập huấn nghiệp vụ theo chuyên đề, tăng cường kỷ luật công vụ…
Về định hướng tổ chức của hệ thống TAQS Việt Nam trong thời gian tới theo Luật Tổ chức TAND năm 2014; Nghị quyết số 571/NQ- UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/9/2018 và theo yêu cầu của Chiến lược Cải cách tư pháp tại Việt Nam, TAQS vẫn được tổ chức thành 3 cấp gồm: TAQSTrung ương; TAQS cấp quân khu và tương đương; TAQS khu vực. Tuy nhiên, TAQS khu vực sẽ có sự gộp lại: từ 17 TAQS khu vực thành 10 TAQS khu vực.
Trung tướng Nguyễn Văn Hạnh giới thiệu với Đoàn công tác TAQS Campuchia về quá trình phát triển của TAQS Việt Nam
Thay mặt Đoàn công tác, Trung tướng Bin Rath Mo Ni, Phó Chánh án TAQS Campuchia cũng giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của TAQS Campuchia từ năm 1954 đến nay. Thẩm quyền của TAQS chỉ xét xử những vụ án liên quan đến quân đội; các bản án của TAQS được thực thi nghiêm minh.
Bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chánh án TAQS Campuchia bày tỏ mong muốn TAQS Việt Nam tạo điều kiện cho TAQS Campuchia được tham dự một số phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án tham nhũng lớn.
Mong muốn Việt Nam trang bị máy tính, máy in, tài liệu để phục vụ công tác xét xử; giúp đỡ TAQS Campuchia xây dựng 1 tòa nhà để làm thư viện, kho lưu trữ…
Nhân dịp này, Phó Chánh án TAQS Campuchia mời Đoàn công tác của TAQS Việt Nam sang thăm, làm việc tại Campuchia để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
Trung tướng Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương Việt Nam ghi nhận các đề xuất của lãnh đạo TAQS Campuchia và sẽ báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét; đồng thời nhận lời mời sang thăm, làm việc tại Campuchia vào một thời gian thích hợp.
Kết thúc buổi tọa đàm, Đoàn công tác cấp cao TAQS Campuchia đã đi thăm cơ sở vật chất và Phòng truyền thống của TAQS Trung ương Việt Nam; trao đổi bên lề những vấn đề mà TAQS hai nước cùng quan tâm.
Thông qua buổi tọa đàm, hai bên có thêm những hiểu biết về TAQS của mỗi nước, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia.