Bộ GD-ĐT gặp mặt 10 nhóm tác giả xuất sắc của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019
Giáo dục - Ngày đăng : 19:07, 09/11/2019
Tại buổi gặp gỡ, các đội đã có cơ hội trao đổi quá trình hình thành sáng kiến, ý tưởng của mình. Đặc biệt, các đội đã chia sẻ những khó khăn, mong muốn của mình với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Cũng tại buổi gặp mặt, nữ sinh Phạm Nguyễn Thu Huyền (Quảng Ninh) – một thành viên của công trình “Ứng dụng phương pháp ứng phó với những tình huống nguy hiểm” nhóm nhỏ tuổi nhất trong 10 đội xuất sắc lọt vào chung kết chia sẻ về công trình được ban tổ chức chọn vào chung khảo đã đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT – Nguyễn Hữu Độ khi áp dụng chương trình mới thì địa phương em có được đâu tư cơ sở vật chất hay không?
Các tác giả chia sẻ sáng kiến của mình với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Hay chia sẻ của đại diện nhóm ý tưởng sáng lập website về quản lý cảm xúc. Tác giả Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ những khảo sát thực tế mà học sinh THPT đang gặp phải về tâm lý như: rối loạn về phát triển tâm lý, rối loạn cảm xúc như: lo âu, trầm cảm hay những rối loạn về hành vi. Đồng thời, tác giả cũng nêu ra một thực trạng, hiện nay các phòng tâm lý học đường ở các trường học hoạt động rất hạn chế. Các giáo viên tâm lý đang kiêm nhiệm chính vì vậy học sinh gặp không ít khó khăn...
Sau khi lắng nghe chia sẻ của các nhóm lọt vào chung kết chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2019, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học của các nhóm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Tôi rất vui mừng khi được gặp mặt các nhà khoa học trong tương lai. Chúc mừng các bạn đã có công trình, sáng kiến lọt vào vòng chung khảo, các bạn đã vượt qua rất nhiều chướng ngại vật để lọt vào”.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các công trình, sáng kiến lọt vào chung kết.
Thứ trưởng Độ cho rằng, sản phẩm của giáo dục là những công dân toàn cầu, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội các em có sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Từ mục tiêu như vậy dẫn đến nội dung thay đổi, phương pháp thay đổi, từ đó cách nhìn nhận, đánh giá cũng thay đổi. Bây giờ đánh giá năng lực không phải qua bài thi mà qua hành động, từ hành động mới hình thành phẩm chất, năng lực.
Thứ trưởng Độ nói thêm, việc các em sáng tạo ra các sản phẩm, phục vụ nhu cầu đổi mới giáo dục. Cảm ơn Trung ương đoàn đưa ra mục tiêu cuộc thi, các sáng kiến đã bám vào ba nội dung chính gồm: Đổi mới dạy và học làm thế nào để các sản phẩm phục vụ giảng dạy; Thứ hai là những công cụ phục vụ đổi mới giảng dạy; Thứ 3 là sản phẩm phục vụ nghiên cứu đổi mới giáo dục đây là những mục tiêu rất tốt để phục vụ đổi mới giáo dục.
Đại diện Bộ GD-ĐT và ban tổ chức trao quà cho các đội.
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 được phát động vào ngày 02/5/2019, qua 05 tháng triển khai chương trình, Ban Tổ chức Chương trình đã tiếp nhận 539 công trình, sáng kiến. Theo đó, về mặt nội dung: 274 công trình, sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 141 công trình, sáng kiến về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 124 hồ sơ công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
So với số lượng của năm 2016 với 267 hồ sơ, năm 2017 với 329 hồ sơ, năm 2018 với 401 hồ sơ, kết quả của năm 2019 đã cho thấy sự thu hút hơn, lan tỏa hơn của Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đối với trí thức trẻ.