Sử dụng bạo lực để dạy học sinh chỉ làm cho các em sợ hãi, nhút nhát
Giáo dục - Ngày đăng : 15:48, 06/10/2019
Rùng mình với cách hành xử của cô giáo Trường Tiểu học Phan Chu Trinh
Mấy ngày qua, dư luận phẫn nộ với hình ảnh cô giáo Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. HCM) đánh học sinh trong giờ học, chia sẻ với chúng tôi chị Trần Thị Hà Phương (Long Biên – Hà Nội) nói: “Thực sự tôi không xem hết clip đó bởi tôi hiện đang có con trai bằng tuổi cháu bé bị cô đánh nên tôi xót xa vô cùng”.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Theo chị Phương: "Trẻ cấp 1 còn rất non nớt, nhận thức các em chưa cao, nhiều cô vì muốn học sinh hiểu bài mà chửi, thậm chí là đánh như cô Sửu. Nhưng tôi mong rằng các cô hãy kiên nhẫn, hãy chia sẻ cùng với phụ huynh để cùng nhau tìm cách dạy con, các con còn nhỏ khi bị đánh sẽ rất tổn thương và ám ảnh".
Còn theo quan điểm của chị Nguyễn Thị Loan (Hoàng Mai – Hà Nội): “Hiện nay chương trình học các con đã nặng rồi, giờ trên lớp mà bị cô giáo đánh, mắng các con nữa thì làm sao các con tiếp thu được bài. Các con mới 6-7 tuổi, cô giáo chưa thể kỳ vọng làm được hết những gì cô mong muốn, hay hiểu hết được kiến thức cô giảng trên lớp được. Nó hiểu được 5-6 phần bài cô giảng đã thành công lắm rồi”.
“Tôi cũng hiểu phần nào đó áp lực mà các cô giáo lớp cấp 1 nhưng không có nghĩa là các cô dùng đòn, roi để dạy dỗ”, chị Loan nói.
Không đồng tình với hành động sử dụng bạo lực để dạy học sinh
Đó là quan điểm của thầy Lê Đức Dũng – nguyên Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Xuân Trường – Đồng Nai. Trước hành động đánh, tát học sinh của nữ giáo viên ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh – TP. HCM, thầy Dũng nói: “Ở chừng mực nào đó tôi thông cảm cho người giáo viên trong hoàn cảnh không kiềm chế được mình. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc sử dụng bạo lực để dạy học sinh. Khi sử dụng bạo lực để dạy học chỉ làm cho các em sợ hãi, nhút nhát thậm chí có trường hợp làm cho học sinh chây lỳ hơn”.
Thầy Dũng nói, dạy tiểu học mình phải xác định tư tưởng vừa dạy vừa dỗ. Khi mình sử dụng các bước dạy không thành công thì chắc chắn mình phải dỗ. Bởi tâm lý của học sinh tiểu học khi mới nhập học khá bỡ ngỡ lo lắng, chính vì vậy thầy cô rất quan trọng. Thầy cô phải là người ổn định tâm lý cho các em, các hoạt động học phải tạo được sự hứng thú để các em phát huy được phong trào, thế mạnh của mình. Đồng thời, giáo viên phải chấp nhận những sai sót cùng các em sửa sai để tiến bộ.
Thầy Lê Đức Dũng – nguyên Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Xuân Trường – Đồng Nai. Ảnh Ngô Chuyên.
“Bản thân tôi không quan niệm có học sinh cá biệt mà tôi nhìn nhận mỗi học sinh có một kiểu thông minh khác nhau. Do đó, mình phải theo dõi để biết được các em thế mạnh ở đâu từ đó phát triển nó. Đồng thời khắc phục hạn chế đang có trong các em như vậy quá trình giảnh dạy rất nhẹ nhàng”, thầy Dũng nói.
Theo thầy Dũng môi trường càng khắc nghiệt mình phải cố gắng, nếu cảm thấy dạy học là một phần của cuộc sống thì mình càng phải cố gắng, cố gắng làm sao để đừng phải rút kinh nghiệm. Bản thân làm giáo viên đã rất áp lực rồi, đặc biệt là giáo viên cấp 1 áp lực từ điều kiện dạy, môi trường xung quanh cho đến học sinh chính vì vậy bản thân mỗi giáo viên phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Thầy Dũng nói, nhiều cô giáo vì muốn học sinh hiểu bài mà có cử chỉ hơi quá so với chuẩn mực đạo đức vì họ chưa tìm được phương pháp nào đó xử lý tốt hơn. Theo đó, thầy Dũng mong muốn, khi những học sinh có khả năng tiếp thu bài chậm hơn các bạn trong lớp, thì nhà trường, gia đình và giáo viên chủ nhiệm cùng tìm cách gỡ rối không nên để thầy cô phải cô đơn một mình tìm cách gỡ rối.
“Nếu để một mình thầy cô tìm cách gỡ rối thì thực sự rất áp lực, nhiều khi không phương án xử lý tốt nhất”, thầy Dũng nhấn mạnh.