TAND tỉnh Bắc Ninh triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại Toà án
Tiêu điểm - Ngày đăng : 22:38, 09/11/2018
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC; Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Thủy- Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC và các thành viên Ban chỉ đạo thí điểm công tác hòa giải, đối thoại...
Về phía địa phương có các đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban cải cách tư pháp tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Hương Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch HĐND Tỉnh; Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cùng các hòa giải viên, đối thoại viên của 06 trung tâm hòa giải, đối thoại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quất – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Được sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng TANDTC lựa chọn tỉnh Bắc Ninh là đơn vị triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn ủng hộ chủ trương này và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Việc triển khai thí điểm tăng cường đổi mới hòa giải đối thoại tại tỉnh Bắc Ninh vào thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời. Qua đó có thể giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Đồng thời góp phần hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài.
Báo cáo về việc triển khai thực hiện thí điểm đối thoại, hòa giải, ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của TANDTC, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm hòa giải đối thoại tại TAND tỉnh Bắc Ninh và 5 TAND huyện, thị xã, thành phố bao gồm: thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ, Yên Phong và Thuận Thành đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động.
Các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 6 đơn vị thuộc TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh sẽ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các Hòa giải viên, Đối thoại viên là những người trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật; trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án; chi phí, bồi dưỡng cho Hòa giải viên, Đối thoại viên do Tòa án chi trả, các bên không phải chi trả bất cứ khoản thù lao nào...
Tại Hội nghị, Bà Đào Thị Xuân Lan – Thẩm phán TANDTC đã công bố Quyết định của Chánh án TANDTC về thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND; bà Trần Thị Hà – Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc BCĐ thực hiện thí điểm của tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Hữu Minh- Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh công bố Quyết định thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại; công bố danh sách Hòa giải viên, Đối thoại viên tại TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chúc mừng các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Bắc Ninh
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Kết quả hoà giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Bên cạnh đó, hòa giải còn là hiệu ứng giải pháp cho Tòa án xây dựng đội ngũ Thẩm phán trong sạch, vững mạnh, là sự liêm chính, chí công, để không còn tiêu cực, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về người Thẩm phán. Hòa giải có sức lan tỏa nhanh, giải quyết nhu cầu của nguời dân theo đúng pháp luật.
Chánh án TANDTC mong muốn trong thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo bố trí nguồn lực, kinh phí để đảm bảo hoạt động việc triển khai thực hiện thí điểm đạt hiệu quả tốt nhất.
Đồng thời, Chánh án Nguyễn Hòa cũng tin tưởng rằng các Hòa giải viên được lựa chọn là những người có quá trình công tác lâu năm, hiểu biết pháp luật sẽ dành tâm huyết và sự sáng tạo để mang lại tỉ lệ Hòa giải cao.