Học thêm không phải là phương án “cứu cánh” tốt

Giáo dục - Ngày đăng : 10:03, 03/10/2019

Thấy con học chậm hơn các bạn trong lớp nhiều lo lắng và tìm đến phương án đi học thêm để “cứu cánh” nhưng họ đã quên rằng con mình học vậy liệu có hiệu quả không?

Năm học 2019-2020 đã được gần 2 tháng, nhiều gia đình lo tìm chỗ này, chỗ nọ để cho con đi học thêm với mục đích để con theo kịp các bạn đồng thời vào được một ngôi trường như ý. Con gái nay mới học lớp 7, nhưng áp lực của chuyển cấp đã đè nặng lên tâm lý của gia đình chị Nguyễn Thị Hương (Thanh Trì – Hoàng Mai – Hà Nội), chị Hương tâm sự: “Để không mất gốc đồng thời vào được trường cấp ba điểm của thành phố ngay từ khi mới vào cấp 2 con gái đã tăng cường đi học thêm. Ngoài thời gian học ở trường hai buổi trên ngày thì tối 5/7 buổi tối trong tuần con đi học. Có những hôm thấy con học mệt quá, tôi muốn gợi ý cho con nghỉ học thêm một số môn nhưng con bảo cố được. Một phần nữa tâm lý con sợ không đi học thì không theo kịp các bạn”.

Chị Hương cũng tâm sự, lớp con mình những bạn không đi học thêm thì một số bài nâng cao trong sách giáo khoa sẽ không làm được, bị liệt vào top những bạn học kém. Dẫu thương con nhưng nhìn đến lịch học mà tôi cũng “phát hoảng”. Lịch học dày đặc, cộng thêm những áp lực từ trường lớp tôi lo rằng con mình thành cỗ máy hơn là một học sinh.

Học thêm không phải là phương án “cứu cánh” tốt

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Cũng có con năm nay học lớp 7, chị Trần Thị Dung (Vĩnh Tuy- Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng lo lắng con sẽ thiếu kỹ năng mền. Chị Dung kể, lớp 7 rồi nhưng sinh hoạt hằng ngày chị vẫn còn phải theo sát để hướng dẫn. Trước đây, học lớp 7 ngoài thuần thục việc nhà, thì một buổi đi học, một buổi tôi giành thời gian phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Nhưng con tôi, đến giờ cái bát rửa còn chưa sạch. Nhiều hôm tôi cũng muốn giành thời gian để hướng dẫn con làm việc nhà như: rửa bát, dọn nhà cửa, hay tự thu dọn phòng học của mình sao cho gọn gàng nhưng nhìn lịch học thêm mà không còn “lỗ thở” thì lấy đâu ra thời gian”.

Thấy con đêm nào cũng thâu đêm cùng con luyện chữ viết, tập đọc khiến cho vợ chồng tôi nhiều hôm cãi nhau, đó là tâm sự của chị Đặng Thị Hà (Hoàng Mai – Hà Nội), chị Hà kể: “Trên lớp con tôi cô giáo đánh giá là học chậm vợ chồng tôi nóng ruột vô cùng, chồng tôi trách móc tại vì em không cho con đi học tiền lớp 1 nên giờ con mới chậm hơn so với các bạn”.

Cùng hoàn cảnh như nhà chị Hà – chị Nguyễn Thúy Hoài (Thanh Xuân – Hà Nội) tâm sự: “Hiện nay chương trình học đang quá nặng, khiến cho phụ huynh không thể đứng ngoài cuộc, dẫu không muốn cho con đi học thêm cũng không được”.

Chị Hoài dẫn chứng, năm nay chị có con vào lớp 1 vì không đi học thêm nên giờ lên lớp con viết chậm hơn các bạn, đọc cũng không trơn tru bằng các bạn nên cô giáo yêu cầu về nhà phải luyện đọc để con phải đọc trơn hơn, cô cũng yêu cầu viết lại bài. Trong khi đó các bạn trên lớp được cô khen nên mình càng sốt ruột dẫu con đã cố gắng rất nhiều.

Khác với những phụ huynh khác, chị Bùi Thị Tuyết (Long Biên – Hà Nội) chia sẻ: “Thay vì cho con đi học thêm nơi này, nơi nọ phụ huynh hãy giành thời gian để xem con mình học như thế nào. Hiểu bài đến đâu rồi tính, đừng cố cho con đi học nơi này nọ nhiều quá khiến con mệt mỏi mà không hiệu quả”. Chị Tuyết cũng chia sẻ, con gái chị học có phần yếu hơn con trai, nhưng khi cô giảng trên bài con hiểu. Còn những bài khó, nâng cao trong sách không làm thì thôi chị không ép.

Dường như những áp lực từ chương trình học cho đến thi cử đã khiến không chỉ người học mà chính phụ huynh cũng quay cuồng và hiện nay học thêm đang là cánh cửu mà nhiều phụ huynh cho là cứu cánh cho con.
 

Đặng Hà