Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không máy móc nào thay thế được con người
Giáo dục - Ngày đăng : 14:20, 28/09/2019
Sau khi Bộ GD-ĐT đã báo cáo dự thảo đề xuất phương án thi sau 2020 của Bộ, trong đó có đề xuất phương thức thi được là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Lắng nghe ý kiến phân tích từ các đại biểu, chuyên gia giáo dục, Bộ trưởng –Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện đề xuất phương án thi sau 2020.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho hay, phương án này được tính toán cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, có căn cứ chắc chắn và lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Theo đó, ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa sẽ được Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường về số lượng và đảm bảo chất lượng. Giai đoạn ban đầu sẽ thi trên giấy và trên máy tính nhưng từng bước sẽ tăng dần thi trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới.
Cho rằng, hạ tầng kỹ thuật, phầm mềm không phải điều quá khó trong tổ chức thi trên máy tính. Tuy nhiên, hệ thống vận hành cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh các vấn đề có thể xảy ra. “Không máy móc nào thay thế được con người, máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc. Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm và tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau 2020. Nội dung cơ bản của Phương án như sau: Đối tượng dự thi: Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT (hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.
Theo như dự thảo đề xuất phương án thi sau 2020 của Bộ GD-ĐT, thì bội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Phương thức tổ chức thi: Tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Ảnh minh họa.
Tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như: ETs, ACT.... đối với Việt Nam thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Lộ trình thiển khai: Giai đoạn 2021-2025: Cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.
Cụ thể: Các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (KHTN và KHXH) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích học phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung gồm: ban hành quy chế, ra đề thi, thanh kiểm tra, giám sát, chủ trì tổ chức chấm thi bài thi trắc nghiệm.
UBND các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương – gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình (chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các ban ngành hữu quan thực hiện các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi bài thi tự luận (nếu có), phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.