TAND TP Đà Nẵng triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tiêu điểm - Ngày đăng : 13:36, 09/11/2018
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC; Đào Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp TANDTC; Lại Văn Trình, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng; Trần Đức Dương, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm; Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng.
Cùng tham dự Hội nghị còn có các Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp quận, huyện; toàn thể Thẩm phán, Thư ký TAND TP Đà Nẵng; đại diện các cơ quan Viện kiểm sát, Công an, Thanh tra, Cục Thi hành án tỉnh và 36 Hòa giải viên thuộc 6 trung tâm hòa giải đối thoại của thành phố.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành, Chánh án TAND TP Đà Nẵng cho biết những năm gần đây, TAND hai cấp của thành phố hàng năm giải quyết khoảng 10.000 vụ việc, trong đó số vụ việc bắt buộc hòa giải, đối thoại theo tố tụng khoảng 70%. Tỷ lệ vụ việc có xu hướng tăng mạnh khoảng 20% so với năm trước. Thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, tính chất vụ, việc ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó biên chế CBCC phải cắt giảm theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị dẫn đến tình trạng quá tải trong công tác, tạo ra áp lực lớn cho Tòa án.
Trước thực tiễn đó, TP Đà Nẵng được TANDTC lựa chọn là một trong 15 đơn vị để mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính cùng với TAND hai cấp TP Hải Phòng đã thực hiện từ tháng 3/2018 đến nay.
Theo đó, nhằm phát huy những ưu điểm của việc hòa giải, đối thoại, huy động được nhiều nguồn nhân lực tham gia cùng Tòa án trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống xã hội, hàn gắn được những rạn nứt, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giảm số lượng các vụ, việc phát sinh phải giải quyết bằng xét xử, tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, TAND TP Đà Nẵng đã tổ chức 6 trung tâm gồm: Trung tâm hòa giải đối thoại tại TAND TP Đà Nẵng và các trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu và Cẩm Lệ.
Bên cạnh đó, Chánh án TAND TP Đà Nẵng cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết đối với đội ngũ cán bộ hòa giải của thành phố như các Trung tâm cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, sở ban ngành có liên quan; vận dụng hướng dẫn tại Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018 trong thủ tục tiếp nhận và chuyển đơn cho Trung tâm, trừ trường hợp vụ việc không được hòa giải, đối thoại theo quy định của pháp luật.
Chánh án TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Thành phát biểu khai mạc hội nghị
Các trung tâm hòa giải cần chú trọng phân công Hòa giải viên, Đối thoại viên phù hợp với thời hạn, sở trường, chuyên môn, kinh nghiệm của từng cá nhân; lãnh đạo Tòa án phân công Thẩm phán, Thư ký lập biên bản hòa giải, đối thoại thành để không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
Đối với các Hòa giải viên, Đối thoại viên cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, xác định rõ quan hệ tranh chấp, nguyên nhân, mức độ, vấn đề mấu chốt để giải quyết tranh chấp một cách đúng đắn, hợp tình hợp lý. Đặc biệt, cần bảo mật các thông tin hòa giải, đối thoại cho các bên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng trong thời gian qua đối với Tòa án hai cấp TP Đà Nẵng.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, mặc dù triển khai thí điểm vào thời gian toàn thành phố đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, TAND hai cấp của TP Đà Nẵng cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao, nhưng TANDTC đã nhận được sự đồng thuận và sự quan tâm đặc biệt ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, các sở ban ngành cùng sự quyết tâm của toàn thể cán bộ nhân viên TAND hai cấp TP Đà Nẵng, để từ đó đưa các trung tâm hòa giải tại địa bàn thành phố đi vào hoạt động.
Toàn cảnh hội nghị
“Các hoạt động thí điểm trên 16 tỉnh, thành phố có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin cho TANDTC hoạch định chính sách, xây dựng dự thảo Luật Hòa giải trong thời gian tới. Đồng thời, việc tổ chức thí điểm sẽ có tác động sâu rộng đến các địa phương”, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết. Phó Chánh án cũng yêu cầu một số nội dung nhằm đưa hoạt động của các Trung tâm hòa giải đối thoại đạt hiệu quả cao nhất:
Thứ nhất, các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại của thành phố, các sở ban ngành tiếp tục quan tâm, ủng hộ và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Tích cực hưởng ứng và ưu tiên chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp khiếu kiện thông qua hòa giải, góp phần đảm bảo sự thành công của hoạt động thí điểm trong thời gian 6 tháng.
Thứ hai, yêu cầu TAND hai cấp TP Đà Nẵng tiếp tục quán triệt chủ trương của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và lãnh đạo TANDTC, chủ động tích cực, sâu sát trong quản lý các trung tâm hòa giải đối thoại để có những báo cáo kịp thời với TANDTC.
Thứ ba, đề nghị các Hòa giải viên, Đối thoại viên tiếp tục nghiên cứu, vận dụng kỹ năng hòa giải và kiến thức kinh nghiệm, tâm huyết và cả uy tín của các đồng chí để triển khai thành công thí điểm hòa giải, đối thoại trên địa bàn thành phố. Đồng thời, trong quá trình hòa giải, đối thoại phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của TANDTC và Ban Chỉ đạo thí điểm, tuân thủ quy chế hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại.
Thay mặt lãnh đạo TP Đà Nẵng, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ghi nhận những thành quả mà TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí Võ Công Trí khẳng định việc Đà Nẵng được TANDTC chọn làm 1 trong 16 địa phương thí điểm triển khai công tác hòa giải, đối thoại vừa là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề vì đây là công việc chưa có tiền lệ. Để thực hiện điều này, đồng chí Phó Bí thư yêu cầu các CBCC của TAND TP Đà Nẵng làm việc theo đúng phương châm “thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả cao nhất” và khẳng định thành phố sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để các Trung tâm hòa giải, đối thoại hoạt động với hiệu quả cao nhất.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng đã công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại và trao các Quyết định thành lập 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.