Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về Luật Hải quan sửa đổi
Chính trị - Ngày đăng : 13:24, 16/08/2013
Qua thảo luận, các đại biểu (ĐB) cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo luật sửa đổi và cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất cố gắng, công phu chuẩn bị dự án luật này. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn cần làm rõ. Chẳng hạn như, luật đề cập chưa toàn diện, đầy đủ các lĩnh vực liên quan, nhất là các quy định về hoạt động thanh kiểm tra - chưa cân đối giữa việc kiểm tra ngẫu nhiên và kiểm tra tập trung. Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHTTNNĐ Đào Trọng Thi, nếu chúng ta chỉ tập trung kiểm tra những vi phạm lớn, không quan tâm đến những vi phạm sẽ rất nguy hiểm, vì vi phạm nhỏ nhưng lại phổ biến, không cẩn thận sẽ tạo hành lang an toàn cho những hành vi vi phạm.
Về quy định, “quyền truy đuổi” và sử dụng công cụ hỗ trợ trong quá trình tác nghiệp của lực lượng hải quan đối với cá nhân vi phạm, nhất là đối với quyền truy đuổi ra ngoài lãnh hải, các ý kiến đề nghị làm rõ vai trò nhiệm vụ của lực lượng này, tránh chồng lấn chức năng nhiệm vụ với các cơ quan khác trong quá trình điều tra.
ĐB Kso Phước cho rằng, nên quy định hải quan chỉ có quyền điều tra theo dõi, truy đuổi trong địa bàn hoạt động của mình, nếu không sẽ chồng lấn với cơ quan khác cũng đang trong quá trình điều tra vụ việc, dễ bị lộ và không có kết quả. Đồng thời làm rõ nhiệm vụ của hải quan đến đâu so với các ngành khác; Công chức hải quan là cấp nào, đang thực hiện nhiệm vụ nào mới được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, chứ không nên chung chung là “theo quy định của pháp luật” vì phạm vi rất rộng.
Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Hải Dương. (Ảnh: TTXVN)
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Bùi Văn Thạch cũng đề nghị quy định chặt chẽ quyền truy đuổi để ngăn ngừa hoạt động buôn lậu ra ngoài địa bàn, cũng như cơ quan chủ trì việc này, làm sao đó tránh việc sát thương có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và việc chống buôn lậu ngày càng cấp thiết hơn, lực lượng hải quan cũng giống như “bộ mặt” quốc gia đối với các quan hệ ngoại giao nên đòi hỏi khá cao về chuyên môn cũng như con người. Đi cùng với đó là việc phải hiện đại hóa và đưa điện tử vào hải quan, nhưng trong dự thảo luật chưa có quy định về vấn đề này.
Đáng chú ý, dự thảo luật sửa đổi mới đã bỏ phần quy định về việc tố cáo những sai phạm của cơ quan, cán bộ hải quan. Chủ nhiệm Văn phòng QH, Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, nếu việc tố cáo những sai phạm của cơ quan, cán bộ hải quan không giữ nguyên như luật cũ e rằng việc chống tiêu cực, tham nhũng sẽ khó bề xử lý khi mà thực trạng chung về tham nhũng đang bức thiết hiện nay.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng tình với những ý kiến nêu trên và đề nghị phía Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan và các cơ quan liên quan rà soát lại một lần nữa, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Mai Thoa