TAND tỉnh Long An tổ chức hội nghị triển khai thí điểm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tiêu điểm - Ngày đăng : 17:14, 06/11/2018
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị có các ông Trần Văn Cò, Thẩm phán TANDTC; Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, các Sở, ban ngành tỉnh Long An; thành viên ban chỉ đạo thực hiện thí điểm về hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND; Giám đốc, Phó Giám đốc, hòa giải viên, đối thoại viên của 6 trung tâm hòa giải, đối thoại của tỉnh Long An.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Lợi, Chánh án TAND tỉnh Long An cho biết, số lượng thụ lý và giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh Long An có chiều hướng gia tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt là năm 2018. Cụ thể, TAND hai cấp tỉnh Long An thụ lý tổng cộng 43.637 vụ, việc dân sự và hành chính; đã giải quyết 40.101 vụ, đạt tỉ lệ 91.9%. Hòa giải thành, đối thoại thành là 19.464 vụ, đạt tỉ lệ 48.54%. Biên chế TAND hai cấp tỉnh Long An từ năm 2013 đến nay không thay đổi, hiện nay còn thiếu 21 biên chế. Tính bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết khoảng 10 vụ/tháng, có nơi Thẩm phán giải quyết gần 20 vụ/tháng.
Tại hội nghị Ban tổ chức đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại do ông Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban và tổ giúp việc; công quyết định thành lập trung tâm hòa giải, đối thoại TAND tỉnh Long An và các TAND cấp huyện.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh phát biểu tại hội nghị
Ông Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cho biết, Tỉnh ủy Long An nhất trí rất cao với chủ trương của TANDTC về việc thực hiện Đề án “thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại TAND”. Chủ trương thực hiện đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại TAND là hết sức cần thiết nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa góp phần làm giảm áp lực công việc, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính tại TAND, giảm số lượng vụ việc THADS, vừa mang lại nhiều kết quả to lớn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng,tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội.
Ngoài ra, hoà giải, đối thoại thành còn góp phần lớn vào việc ổn định tình hình chính trị tại địa phương, góp phần giảm thiểu sức ép cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính các cấp.
Chủ trương mở rộng thực hiện thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại TAND trên địa bàn tỉnh Long An là rất kịp thời và cần thiết để vừa làm giảm áp lực công việc, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính tại Tòa án, vừa góp phần tăng cường khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định tình hình chính trị, kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
Tỉnh ủy đánh giá cao công tác chuẩn bị triển khai thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án của TAND tỉnh Long An. Tỉnh ủy đề nghị TAND tỉnh thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc, khắc phục khó khăn để các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, TAND tỉnh phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc phù hợp với chức năng của cơ quan, đơn vị, cá nhân, Tổ giúp việc theo dõi, nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm.
Các cơ quan báo chí, Đài truyền hình Long An và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, cấp ủy các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về triển khai thí điểm hoạt động của các Trung tâm để tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng, làm cho người dân hiểu và ưu tiên chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND.
Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại.
Ra mắt Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tỉnh Long An.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC thay mặt lãnh đạo TANDTC cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các Sở, ban ngành tỉnh Long An trong thời gian qua đã chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho TAND hai cấp tỉnh Long An thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho rằng, những nội dung phát biểu tại hội nghị của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là rất đầy đủ, bao quát và sát với thực tế. Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa góp phần làm giảm áp lực công việc của Tòa án, đồng thời nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính tại TAND, vừa mang lại nhiều kết quả to lớn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các cơ quan Nhà nước và người dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là xây dựng mối đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và nhằm nghiên cứu thực trạng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, đề xuất những giải pháp mới nâng cao hiệu quả của công tác này trong bối cảnh hiện nay, TANDTC đã báo cáo và được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, trong đó cho phép TANDTC tổ chức thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng.
Việc triển khai thí điểm 6 tháng tại Hải Phòng thu được kết quả rất khả quan, với tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành đạt 76,2%. Ngày 15/9/2018, Ban cán sự Đảng TANDTC đã báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về Đề án. Tại phiên họp, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đồng ý với nội dung cơ bản của Đề án.
Trên cơ sở thành công bước đầu của thí điểm tại Hải Phòng, giao cho TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố bảo đảm tính đại diện vùng miền, nông thôn, đô thị. Thực hiện Kết luận nêu trên, TANDTC đã lựa chọn được 16 địa phương để mở rộng và kéo dài thí điểm, trong đó có Long An.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Long An, Ban chỉ đạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ủng hộ, vận động nhân dân chọn phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án, hỗ trợ kinh phí để các trung tâm hòa giải, đối thoại hoạt động.
TAND tỉnh Long An quán triệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ban cán sự đảng TANDTC về đổi mới công tác hòa giải, đối thoại, nếu có vướng mắc, khó khăn thì báo cáo cho Ban chỉ đạo và TANDTC có hướng giải quyết.
Các hòa giải viên, đối thoại viên cần nghiên cứu các văn bản pháp luật, phương pháp hòa giải, đồng thời tuân thủ nghiêm quy chế hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND.