Tự chủ đại học không tránh khỏi việc tăng học phí
Giáo dục - Ngày đăng : 16:44, 09/09/2019
Tự chủ không tránh khỏi việc tăng học phí
Tự chủ đại học là đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập ở Việt Nam đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu.
Theo chia sẻ của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi tự chủ đại học cần phải cân nhắc học phí đồng thời vừa phải đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo s tiếp cận của người học.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Ông Sơn cũng nói thêm tự chủ không tránh khỏi việc tăng học phí nhưng phải có lộ trình và phù hơn với sự chi trả của người học, đảm bảo sự lựa chọn của sinh viên. Bên cạnh đó, chính sách học bổng đảm bảo sự tiếp cận của người học.
Còn theo chia sẻ của PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trường đầu tiên của Việt Nam thực hiện tự chủ từ một phần sang toàn phần. Học phí của trường cho đến nay cũng thực hiện theo đúng tinh thần nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ.
“Đặc biệt, mức học phí phải công khai, minh bạch. Năm nay, học phí chính quy từ 15 – 18.5 triệu/năm, mức tăng cam kết không quá 10%. Bối cảnh hiện nay trường tăng khoảng 5%/năm, theo đó sinh viên sẽ biết rõ mức đóng bao nhiêu trong quá trình học tránh sự bất ngờ”, ông Chương nhấn mạnh.
Ông Chương cũng cho biết thêm, nếu chỉ dựa vào học phí thì khó đột phá. Bởi vậy, lâu dài phải có giải pháp căn bản về tài chính, đặc biệt là học phí.
Cơ hội việc làm cho những ngành mới ra sao?
Hiện nay, nhiều trường đại học ồ ạt mở ngành mới, có những trường không liên quan đến lĩnh vực ấy cũng mở ra. Trước thực trạng đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT phân tích ngành mới phải đáp ứng yêu cầu của trường, yêu cầu của xã hội, của đất nước. Đồng thời, nghề mới phải đáp ứng chuẩn mực như chuẩn đầu ra, chuẩn đào tạo.
Vào lúc 9h30’ ngày 9/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo".
“Nếu mở ngành mà không gắn với nhu cầu của thị trường thì sẽ bất cập, quan trọng là thị trường sẽ trả lời cho sự tồn tại của ngành mới với tỉ lệ sinh viên ra trường có việc hay thất nghiệp”, bà Thủy nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của ông Sơn về việc mở ngành mới phải dẫn dắt chứ không phải chạy theo thị trường. Có những ngành mở ra phải đi trước để 5 – 7 năm sau tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động.
“Chúng tôi có trách nhiệm nhìn nhận thị trường ở góc độ dài hạn, tầm nhìn dài và lớn hơn. Có những ngành truyền thống, dù nhu cầu ngắn hạn không có nhưng chúng tôi không thể đóng được dù đào tạo ít chúng tôi vân phải đào tạo đó là trách nhiệm xã hội”, ông Sơn nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm này ta vẫn thiếu chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao, thừa người không đủ kiến thức kỹ năng để đảm nhận công việc.
Theo đó, mỗi trường cần có tầm nhìn, chiến lược riêng, xây dựng phân khúc về lĩnh vực đào tạo và chất lượng thì mới cạnh tranh được một cách lành mạnh.
“Nhiều ngành mở chậm nhưng chúng tôi kiên trì, tạo ra những sinh viên thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Mở ngành phù hợp với chiến lược về phân khúc chất lượng của trường mới là điều quan trọng. Cạnh tranh không phải làtrong nước mà còn với quốc tế”, ông Sơn cho hay.
Còn theo, đại diện Bộ GD-ĐT nghề nghiệp đứng trên góc độ quy định chuẩn mực tối thiểu để đạo tạo ra sinh viên. Còn đặc thù riêng tạo nên thương hiệu của trường thì đó là nỗ lực của thầy cô, đôi ngũ giảng dạy và lãnh đạo, tư đó tạo nên “sản phẩm” khác nhau.