Trung tâm hòa giải Tiên Lãng, TP Hải Phòng: Hòa giải viên “hóa giải” mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai
Tiêu điểm - Ngày đăng : 18:51, 05/11/2018
Theo hồ sơ, gia đình bà Phạm Thị Tính (ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đang sử dụng 636m2 đất thổ cư (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tại thôn Kỳ Vỹ Thượng, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng. Liền kề với mảnh đất của bà Tính là mảnh đất của cụ Phạm Châu Mây. Những năm trước, giữa hộ gia đình bà Tính và cụ Mây sử dụng đất ổn định, không xảy ra tranh chấp.
Tuy nhiên, đến năm 2018, cụ Mây qua đời, mảnh đất của cụ để lại cho ông Phạm Văn Đình quản lý, sử dụng. Quá trình sử dụng, phía ông Đình cho rằng, mảnh đất mà cụ Mây để lại có một phần diện tích lấn sang bên mảnh đất của gia đình bà Tính. Cũng từ đây, giữa gia đình bà Tính và ông Đình bắt đầu xảy ra tranh chấp về ranh giới đất. Sau đó, ông Đình tiến hành chặt cây cối trên phần đất giáp ranh giữa hai gia đình và ngăn không cho bà Tính xây tường bao. Việc tranh chấp khiến mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày càng căng thẳng, có nguy cơ xảy ra xô xát mất hết tình cảm xóm làng.
Để giải quyết tranh chấp, bà Tính đã nhiều lần đề nghị UBND xã Quang Phục can thiệp, giải quyết nhưng không thành. Sau đó, bà Tính đã làm đơn khởi kiện đề nghị TAND huyện Tiên Lãng giải quyết tranh chấp về đất đai giữa gia đình bà và gia đình ông Đình.
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, TAND huyện Tiên Lãng đã chuyển đơn của bà Tính đến Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng thụ lý và phân công Hòa giải viên Nguyễn Hữu Bình (Bí thư Chị bộ 1, thị trấn Tiên Lãng) tiến hành hòa giải. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, hòa giải viên đã mời người khởi kiện và người bị kiện đến làm việc, trao đổi để làm rõ hơn nội dung hai bên đang tranh chấp và nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của các đương sự.
Hòa giải viên trao đổi với phóng viên Báo Công lý
Sau khi có phương án hòa giải, hòa giải viên đã mời hai bên đến làm việc, tiến hành hòa giải lần 1 nhưng chưa giải quyết được do các bên còn bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, hòa giải viên đã kiên trì phân tích để những người tham gia hòa giải hiểu được giá trị của việc hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự. Từ đó, hòa giải viên đưa ra hướng hòa giải bằng tình cảm, trên cơ sở tuân thủ, áp dụng các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích công bằng cho hai bên có tranh chấp.
Trước sự kiên trì truyết phục của hòa giải viên, hai bên có tranh chấp đã trở lại làm việc và tham gia hòa giải lần 2 tại Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng. Tại lần hòa giải này, hai bên đương sự đã thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng đề xuất của hòa giải viên, trên tinh thần cởi mở, tự nguyện.
Ngay sau khi kết thúc buổi hòa giải, người khởi kiện đã đã đồng ý rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Trên cơ sở kết quả hòa giải, Tòa án đã ra thông báo trả lại đơn cho người khởi kiện, hai bên đương sự đã cảm thông, chia sẻ với nhau vui vẻ không còn mâu thuẫn căng thẳng, không ai có khiếu nại hay kiến nghị về vụ việc trên.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Hòa giải viên Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng cho biết, đây là vụ việc phức tạp, hai bên đương sự rất căng thẳng không chịu chia sẻ với nhau. Với quyết tâm giải quyết bằng được vụ việc, sau khi được phân công nhiệm vụ, ông đã chủ động nghiên cứu hồ sơ vụ việc và các quy định của pháp luật về đất đai, sau đó trực tiếp xuống cơ sở để gặp gỡ, trao đổi, nghe tâm tư, nguyện vọng của hai bên đương sự. Khi có phương án hòa giải, ông hướng dẫn hai bên có tranh chấp cùng đối thoại, hòa giải bằng tình cảm, trên cơ sở tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích công bằng cho cả hai bên.
Theo ông Bình, Đề án thí điểm do TANDTC triển khai là chủ trương sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Thông qua đề án, vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài được giải quyết rất công bằng trên tinh thần đồng thuận, vui vẻ của các đương sự, từ đó làm giảm những bất đồng, căng thẳng và xung đột phát sinh trong tranh chấp. Qua các buổi gặp gỡ, hòa giải, đối thoại, người dân sẽ có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu và phổ biến các quy định của pháp luật, giúp họ kết nối, chia sẻ được với nhau.
Cũng theo ông Bình, mặc dù đã được Tòa án tập huấn về kỹ năng, quy trình hòa giải đối thoại và bản thân hòa giải viên cũng tích cực tìm hiểu kiến thức pháp luật song công tác hòa giải còn gặp nhiều khó khăn về nhân sự, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cho hòa giải viên.
Trên đây là vụ việc điển hình trong số nhiều vụ việc được hòa giải viên, Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng giải quyết thành công, thực hiện theo “Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính” của TANDTC. Tính riêng từ 19/3 đến 29/8/2018, Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng tiếp nhận 285 vụ việc, đã hòa giải thành 185 vụ, đạt tỷ lệ 65%. Đặc biệt, tranh chấp dân sự thường có tính chất phức tạp hơn, mâu thuẫn giữa các bên đương sự thường là nghiêm trọng nhưng tỷ lệ hòa giải thành những vụ việc này tại Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng cũng đạt tới 50%.
Để có được những kết quả như trên, bước đầu mang lại thành công cho Đề án thí điểm, Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng cùng với hòa giải viên đã nỗ lực khắc phục những khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Cùng với đó, đơn vị nhận đã được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của TANDTC, Thành ủy, UBND phố và TAND TP Hải Phòng.