Trăm khoản lo đầu năm học
Giáo dục - Ngày đăng : 23:13, 27/08/2019
Là một gia đình thuần nông, mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào 8 sào ruộng đang chờ thu hoạch, bởi vậy đầu năm học mới của con, chị Nguyễn Thị Thao (48 tuổi) – Can Lộc – Hà Tĩnh và chồng khốn đốn, xoay xở tiền để chuẩn bị đóng tiền học, cặp sách, quần áo.
Chị Thao chia sẻ: “Mồi lần đầu năm học mới dẫu chưa đến ngày họp phụ huynh nhưng vợ chồng tôi đã phải đau đầu nghĩ “đào” đâu ra tiền để chuẩn bị cho con vào năm học mới”.
Những khoản thu đầu năm luôn là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Ảnh minh họa. Hải Nam.
“Mọi năm, chừng này còn dành được lứa lợn để bán lấy tiền chuẩn bị đầu năm học cho con nhưng năm nay lợn đang có dịch tả lợn châu Phi không bán được. Quê tôi lại đúng vùng đang có dịch nên càng khó bán hơn. Hai vợ chồng tôi đang trông lúa chín để gặt bán lấy tiền đóng học cho con”, chị Thao tâm sự thật.
Được biết gia đình chị Thao có 3 con đang tuổi ăn học, con gái đầu học lớp 12, con trai học lớp 9 và con trai út học lớp 2. “Hai đứa đầu giờ nó lớn, nó ý thức được nên đầu năm học không có quần áo mới cũng không sao nhưng thằng út không có quần áo mới nghĩ cũng thương. Bởi nó còn nhỏ, bạn bè cùng trăng lứa có quần áo mới đi khai giảng khoe với nhau nên vợ chồng tôi cũng phải ky cóp để mua nó bộ quần áo mới. Hôm tựu trường tôi bảo nó mặc vào đến lớp, nhưng nó bảo để dành cho mới hôm sau mặc đi khai giảng giờ mặc nó cũ mất mẹ ạ”, chị Thao nói thêm.
Nhận được tin con gái đậu ĐH Ngoại thương Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thanh (TP. Hà Tĩnh) mừng khôn xiết, nhưng vẫn hiện trên khuôn mặt những nỗi lo mà chị không dám nói với con. Chị Thanh, chồng bị bệnh mất sớm, chị không tái giá ở vậy để nuôi con ăn học. Chị làm nghề quạt bánh nấu kẹo cu đơ, toàn bộ thu nhập chị trang trải cuộc sống và cho con gái học.
“Chị Thanh chia sẻ trước con học gần nhà hai mẹ con có gì ăn nấy, nhưng giờ nó học Hà Nội kinh phí đắt đỏ, cộng tiền học nữa nên để có tiền nhập học cho con tôi đã phải chuẩn bị nửa năm nay. Nghe những vị phụ huynh có đã từng đưa con đi nhập học kể là mới ra tốn lắm riêng khoản sắm đồ sinh hoạt đã mất một khoản khá lớn. Chính vì vậy, hai mẹ con tôi bàn nhau sắm ở quê cho rẻ, ra ngoài kia đắt đỏ, lại chưa quen đường sá nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”, chị Thanh tâm sự.
Cũng có hoàn cảnh giống với chị Thanh và chị Thao, chị Trần Thị Mai buôn bán tự do ở Hoàng Mai – Hà Nội cũng đang đau đầu với tiền học đầu năm cho con. Chị Mai nói: “Chồng mình làm xe ôm ngày kiếm được vài ba trăm nghìn, còn mình bán rau ở chợ nên đầu năm luôn là ám ảnh của hai vợ chồng”.
Chị Mai nói thêm, sợ nhất là con mình nộp muộn bị cô giáo nhắc tên trên lớp lúc đó con chạnh lòng, đặc biệt là những đứa mới vào cấp một như thằng út nhà mình. Nên ba tháng hè vợ chồng mình đã phải tằn tiện chắt bóp để ưu tiên thằng út học lớp 2 đóng tiền trước.
Dường như câu chuyện các khoản phí đầu năm lúc nào cũng khiến cho nhiều gia đình quay cuồng đặc biệt là những người có hoàn cảnh có khoăn thu nhập không ổn định nổi lo đó càng lớn hơn.