Nên chuẩn bị cho trẻ những gì khi sắp vào lớp 1?
Giáo dục - Ngày đăng : 09:18, 16/08/2019
Thời điểm này các trường học đã bắt đầu tựu trường, nhiều phụ huynh có con mới vào lớp 1 khá lo lắng khi con chưa biết đọc, biết viết, chưa quen với tư thế ngồi một chỗ trong thời gian dài. Trước những lo lắng đó của phụ huynh, PV báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với thầy Lê Đức Dũng – Nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Trường – tỉnh Đồng Nai về vấn đề trên.
PV: Thưa thầy, hiện nay nhiều phụ huynh có con năm vào lớp 1 rất lo lắng vì con chưa biết đọc, biết viết, thầy có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm để giảm bớt những lo lắng đó cho phụ huynh?
Thầy Lê Đức Dũng – Nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Trường – tỉnh Đồng Nai. Ảnh Ngô Chuyên.
Thầy Lê Đức Dũng: Việc lo lắng khi con vì con chưa biết đọc, biết viết mà vào lớp 1 của người làm cha, làm mẹ là rất chính đáng. Những lo lắng đó của phụ huynh là điều đáng mừng cho mỗi nhà trường tiểu học. Tuy nhiên nếu lo quá thì không nên vì nó sẽ gây áp lực cho chính phụ huynh và con trẻ.
Theo kinh nghiệm riêng của bản thân tôi thì 6 năm đầu đời của trẻ chưa rèn kỹ năng đọc, viết Tiếng Việt. Mà trẻ đang học các kỹ năng như quan sát, học hỏi từ môi trường sống, thái độ và hành vi của những người xung quanh. 6 năm này, trẻ phát triển khả năng quan sát tinh tế, tư duy và sáng tạo từ đó rèn kỹ năng nghe, nói tiếng Việt. Những kỹ năng đó sẽ làm nền cho việc học đọc, viết ở lớp 1 bởi vậy phụ huynh đừng quá lo lắng.
Hai là dù trẻ chưa biết đọc, chưa biết viết nhưng trẻ thường gặp chữ, số nếu được hướng dẫn trẻ sẽ phát sinh nhu cầu cần đọc, cần viết. Lúc này cha mẹ cần giúp con hình thành và cùng nhà trường phát triển nhu cầu học đó của con, đồng thời kích thích tính tò mò, muốn khám phá trong con.
Ba phụ huynh nên giúp trẻ tâm thế học hay còn gọi là cách học, để trẻ chuyển từ trường Mầm non sang trường Tiểu học, từ giao tiếp với giáo viên Mầm non sang giáo viên Tiểu học. Từ học trực quan hình ảnh sang con chữ, con số như thế rèn cách học để trẻ nhanh chóng làm quen môi trường học mới và hoàn thành được nhiệm vụ đọc viết ngay từ năm học đầu tiên ở trường Tiểu học.
PV: Theo thầy, phụ huynh nên chuẩn bị những gì để chuẩn bị cho con mới khi bước vào cấp học đầu tiên?
Thầy Lê Đức Dũng: Khi con 5 tuổi, phụ huynh cần kể cho con nghe chuyện bố mẹ đi học lớp 1, ngôi trường Tiểu học bố mẹ đã từng học từ những câu chuyện đó ươm ước mơ cho trẻ. Khi được 6 tuổi trẻ cũng được như vậy. Hành trang đầu tiên vào lớp 1 của trẻ sẽ hình thành sự tò mò, muốn sống với ngôi trường và lớp học mà bố mẹ, người thân của trẻ đã giới thiệu.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Khoảng một tháng trước khi trẻ đi học, bố mẹ cần tìm hiểu trước về ngôi trường con sẽ học, giới thiệu cho con biết nơi con sẽ học, sẽ vui chơi với thầy cô, bạn bè như thế nào. Từ đó để con hiểu về với ngôi trường, lớp học mới của mình và không có cảm giác lạ lẫm quá.
Một tuần trước khi đi học, phụ huynh hãy cùng trẻ chuẩn bị đồ dùng học tập. Như vậy trẻ càng háo hức, tò mò hơn về lớp học nơi trẻ sẽ dùng những dụng cụ học tập đó.
Cả nhà hãy phân tích cho con hiểu ngày đầu tiên vào lớp 1 có ý nghĩa như thế nào để con ghi nhớ ngày đầu tiên đến trường đó.
PV: Theo thầy, thời điểm này phụ huynh nên hướng dẫn cho con những kỹ năng gì?
Khi học tiếng Việt trẻ lớp 1 được rèn một kỹ năng mới là kỹ năng viết. Đã là kỹ năng thì mức độ khác nhau có trẻ viết nhanh nhưng có trẻ lại viết chưa nhanh, do đó để hoàn thành được nhiệm vụ này trẻ chỉ cần đạt: Biết giữ vở của mình sạch, đẹp; Có tư thế ngồi viết đúng; Viết đúng theo mẫu. Tốc độ viết đầu năm học khoảng 15 chữ trong 15 phút và tăng dần đến 30 chữ trong 15 phút vào cuối năm học.
Muốn đạt được những kỹ năng trên cha mẹ cần khuyến khích trẻ thực hiện, nếu trẻ không có nhu cầu viết hơn nữa, cha mẹ cần liên hệ với giáo viên để biết đâu là nội dung cần viết chứ không nhất thiết phải bắt trẻ khổ sở rèn hết trang này sang trang kia.
PV: Theo thầy có nên dạy trước kiến thức lớp 1 không?
Thầy Lê Đức Dũng: Theo tôi, việc cho trẻ học trước kiến thức lớp 1 là không nên vì khi đã biết trước trẻ dễ chủ quan, lười thực hiện học động học tâp trên lớp nếu lâu dần trẻ sẽ không còn hứng thú học tập.
Chúng ta cần dạy cho trẻ cách đứng đọc, ngồi đọc, cách lắng nghe, làm quen với chữ cái, cách cầm bút, ngồi viết đúng tư thế, tập viết những nét đơn giản, cơ bản. Cũng cần luyện cho trẻ khả năng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp học tập với giáo viên, bạn bè...