Phối hợp giữa TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Hà Nội: Chất lượng giải quyết các loại án đã được nâng lên
Tiêu điểm - Ngày đăng : 21:39, 17/10/2018
Để đánh giá hiệu quả của công tác phối hợp, VKSND cấp cao tại Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện quy chế phối hợp.
Theo báo cáo, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 31/8/2018, công tác phối hợp giữa hai cơ quan đảm bảo thường xuyên, chặt chẽ ở tất cả các hoạt động. Trong việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, những vụ án do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã được lãnh đạo hai ngành chú trọng phối hợp, họp bàn trong việc tổ chức phiên tòa, góp phần giải quyết nhanh, gọn, đúng pháp luật.
Những vụ án điển hình như: Vụ án Phạm Thị Bích Lương phạm tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”; vụ án Lê Hòa Bình phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Hà Văn Thắm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Tham ô tài sản”; vụ án Phạm Văn Trội phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”... được lãnh đạo hai ngành cấp trên đánh giá cao và dư luận đồng tình ủng hộ.
Ông Phạm Văn Hà, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đánh giá về hiệu quả phối hợp
Công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cũng được hai cơ quan phối hợp trao đổi, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, kỹ năng thẩm vấn của đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên. Công tác giao nhận hồ sơ vụ án có sự phối hợp đồng bộ, đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn, không để xảy ra mất tài liệu, hồ sơ. Việc lên lịch xét xử được Văn phòng của hai cơ quan trao đổi thông tin để phối hợp, tạo thuận lợi cho việc phân công Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và người tiến hành tố tụng khác.
Đối với các trường hợp phát sinh tài liệu trong quá trình thụ lý, giải quyết án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, cơ bản đã được các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải quyết trao đổi, cung cấp cho nhau, tạo thuận lợi trong việc nghiên cứu, giải quyết án.
Trong 2 năm phối hợp, TAND cấp cao tại Hà Nội và VKSND cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý, giao nhận hồ sơ 2.807 vụ án hình sự với 5017 bị cáo, đã giải quyết 2386 vụ/ 4136 bị cáo (đạt 85% số vụ thụ lý); thụ lý, giao nhận hồ sơ đối với 1283 vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh..., đã giải quyết 852 vụ (đạt 66,40%). Hai cơ quan đã giải quyết 450 vụ/1.337 bị cáo theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; đã giải quyết 528 vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Hội nghị sơ kết 2 năm phối hợp giữa VKSND cấp cao tại Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị các đại biểu đã nêu ra một số bất cập, vướng mắc trong quá trình phối hợp, đó là còn xảy ra trường hợp Viện kiểm sát gửi hồ sơ phúc thẩm quá thời hạn nghiên cứu, dẫn đến khó khăn cho Thẩm phán khi giải quyết. Một số vụ án Tòa án chậm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử; hoãn hoặc tạm dừng phiên tòa nhưng không mở lại phiên tòa trong thời hạn luật định; việc chuyển giao chứng cứ, tài liệu, chuyển giao các văn bản hành chính, tố tụng chưa kịp thời.
Từ khi ký kết quy chế phối hợp, hai ngành chưa tiến hành họp luân phiên (6 tháng/lần) theo Điều 13 của Quy chế, do vậy nhiều nội dung phối hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm chưa được tiến hành thường xuyên.
Về phương hướng công tác phối hợp trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội và ông Phạm Văn Hà, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cam kết phối hợp tốt hơn nữa để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong giao, nhận hồ sơ. Viện kiểm sát có giải pháp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu án và trả hồ sơ kịp thời cho Tòa án.
Đối với các vụ án nhiều bút lục, Viện kiểm sát cần có cơ chế phân công luôn Kiểm sát viên và cử Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, photo tài liệu tại Tòa án nhằm giảm thủ tục giao nhận, vận chuyển hồ sơ. Hai cơ quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm; thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin cho nhau về tình hình, kết quả giải quyết án, giải quyết đơn.
Đối với giải quyết các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm, hai cơ quan tăng cường họp liên ngành để có quan điểm giải quyết đúng đắn. Những vụ án cần điều tra, xác minh bổ sung, Thẩm phán, Kiểm sát viên sau khi có văn bản yêu cầu xác minh và khi có kết quả xác minh thì thông báo cho nhau biết và thông báo cho bộ phận tham mưu để theo dõi, tránh tình trạng hồ sơ để quá lâu khiến vụ án bị kéo dài…
Lãnh đạo hai cơ quan cũng thống nhất việc kiến nghị xem xét sửa đổi Điều 396 Bộ luật TTHS theo hướng Hội đồng giám đốc thẩm hủy án và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát cấp có thẩm quyền để điều tra lại thay vì chuyển hồ sơ cho VKSND cấp cao như hiện nay.
Hai ngành thống nhất định kỳ 6 tháng họp bàn các biện pháp phối hợp thực hiện quy chế, nếu có vướng mắc bất cập hoặc thấy cần bổ sung nội dung mới trong Quy chế phối hợp thì cần xem xét sửa đổi cho phù hợp.