Chính sách cử tuyển cần phải điều chỉnh để tạo sự công bằng cho học sinh học tốt
Giáo dục - Ngày đăng : 11:54, 11/05/2019
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về những chính sách, ưu tiên cho học sinh dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, đối với chính sách cử tuyển, hầu hết các ý kiến đồng tình phải giữ chính sách này song cần có những điều chỉnh.
Phát biểu về chính sách cử tuyển, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng nhận định, đây là chính sách đặc thù cần phải duy trì. Đồng thời, kiến nghị, quá trình xem xét đối tượng cử tuyển phải cận thẩn, tỉ mỉ; sau cử tuyển phải sử dụng, “nếu không sử dụng sẽ không tính được hiệu quả của chính sách cử tuyển”.
Còn theo ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết, chính sách cử tuyển hiện nay cần phải điều chỉnh, vì thiếu sự công bằng cho những học sinh học tốt. Thực tế cho thấy, những học sinh dân tộc thiểu số học tốt, đỗ thẳng đại học sẽ không nhận được hỗ trợ trong khi những học sinh học kém hơn đi theo chế độ cử tuyển lại nhận được hỗ trợ.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay nhiều sinh viên cử tuyển học xong không được bố trí việc làm và đề nghị cần có sự ưu tiên trong tuyển dụng những đối tượng này.
Ông Hà Đức Đạt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chỉ ra 3 điểm mấu chốt trong chính sách cử tuyển: “cử” là do địa phương; “đào tạo” là do Bộ GD-ĐT và “tuyển” là sử dụng ngay sau đào tạo, nếu không gỡ được “tuyển” sẽ mất ý nghĩa của chính sách cử tuyển.
Còn theo phát biểu tại Hội thảo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước.
Sau 15 năm thực hiện nghị quyết 24 của Ban chấp hành TW khóa IX về công tác dân tộc với 5 nhóm chính sách về giáo dục, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo cơ hội học tập và phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, mô hình giáo dục được cải tiến theo hướng “mang trường đến với học trò và mang học trò đến trường”.
Tuy nhiên, trước những thay đổi của thực tế, Bộ trưởng cho rằng, việc phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần có những cách tiếp cận mới, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú ý đến việc điều chỉnh chương trình đào tạo cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách phân luồng, hướng nghiệp; đổi mới mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú theo hướng tăng cường hòa nhập, nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo; thay đổi hình thức hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với từng vùng miền…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu tại Hội thảo.
Đối với chính sách cử tuyển, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là chính sách cần thiết nhưng phải được điều chỉnh ở cả khâu tuyển chọn, đào tạo và sử dụng. Ưu tiên trước hết cho những học sinh có lực học tốt. Ngành nghề đào tạo cử tuyển cần cơ cấu lại, đồng thời gắn trách nhiệm và quyền lợi của người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển.
“Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách mới và sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách hiện hành nhằm tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển thuận lợi và thực chất hơn. Quan điểm của chúng tôi là chính sách cho giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải chuyển từ hỗ trợ sang tạo cơ hội, có như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống và tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiếu số, miền núi”,Bộ trưởng chia sẻ.