Xã hội hóa trường ĐH Phạm Văn Đồng: Giữ lại niềm tin qua sóng gió
Giáo dục - Ngày đăng : 09:44, 25/04/2019
Thông báo (số 76 ngày 17/4) nhấn mạnh, phát triển trường ĐH Phạm Văn Đồng là một quá trình kéo dài liên quan đến nhiều vấn đề về tài sản, con người, cơ chế,… trong đó có những nội dung phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.
Hướng giải quyết là đảm bảo theo đúng quy định, cải tiến môi trường nhằm để cán bộ, giáo viên cống hiến hết mình, phát huy tài năng và quyền lợi hưởng thụ được tốt hơn.
“Thời điểm hiện nay, yêu cầu toàn thể đội ngũ giáo viên của trường ĐH Phạm Văn Đồng yên tâm công tác và tiếp tục phát huy hết khả năng của mình trên tinh thần nêu cao trách nhiệm đưa trường ĐH Phạm Văn Đồng ngày càng tiến bộ và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Các bậc phụ huynh, học sinh trong và ngoài tỉnh tin tưởng tham gia học tập tại trường”, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Dũng thể hiện quan điểm.
Toàn thể giảng viên và sinh viên lấy lại niềm tin cùng hoạt động khí thế ngày hội trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Về Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của trường ĐH Phạm Văn Đồng do nhà trường xây dựng, ông Dũng yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương thẩm định Đề án; trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị và nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, cơ chế tổ chức, quản trị đảm bảo tính khả thi theo tinh thần Kết luận số 600-KL/TU ngày 17/4/2018 của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Dũng thống nhất dự thảo phân công nhiệm vụ về Đề án chuyển đổi mô hình quản lý của trường ĐH Phạm Văn Đồng, do Giám đốc Sở Tài chính (Tổ phó thường trực Tổ Công tác) tham mưu và chủ trì, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4/2019.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng trường ĐH Phạm Văn Đồng vui mừng bày tỏ: “Tôi tham dự trong cuộc họp vừa rồi của Tổ Công tác, lắng nghe ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Dũng yêu cầu Tổ Công tác phải xây dựng phương án theo lộ trình đổi mới hoạt động quản lý của trường đến năm 2050. Đây là kết luận hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của thầy cô, sinh viên nhà trường. Cuộc họp cũng không đề cập đến phương án xã hội hóa trường ĐH Phạm Văn Đồng. Với kết luận này, tôi tin rằng đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường sẽ an tâm, tiếp tục cống hiến công cuộc dạy – học, nghiên cứu, tự đổi mới, tư duy sáng tạo nhằm thực hiện tốt lộ trình tự chủ tài chính, xứng danh là ngôi trường đại học công lập mang tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng”.
Trước đó, báo Công lý đã có loạt bài phản ánh về việc xã hội hóa trường Đại học Phạm Văn Đồng, ngụ ý giao toàn bộ nhà trường cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, các văn bản “ủng hộ” Công ty Nguyễn Hoàng lại không gửi và lấy ý kiến của trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản tiếp thu 2 phương án gồm Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của trường ĐH Phạm Văn Đồng (nhà trường xây dựng đề xuất) và Đề xuất đầu tư của Công ty Nguyễn Hoàng.
Thiết kế mô hình về xã hội hóa hiện diện khu dân cư với 606 lô đất.
Lộ diện phương án của Công ty Nguyễn Hoàng, thể hiện bằng hình ảnh với tổng diện tích 40ha muốn tỉnh Quảng Ngãi bàn giao đất không thu tiền. Trong đó, dư luận phản ứng gay gắt với khu dân cư 7,4ha (606 lô đất), bệnh viện quốc tế (1,7ha) và các công trình vui chơi, giải trí. Điều đáng quan ngại, khi nhà đầu tư (Công ty Nguyễn Hoàng) bóp nhỏ diện tích trường ĐH Phạm Văn Đồng chỉ còn lại 3,5ha.
Một chủ doanh nghiệp từng du học ở Úc, cho rằng: “Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy nơi nào làm trường học cho ra trường học, bệnh viện ra bệnh viện và không có chuyện khu dân cư nằm trong trường học. Mô hình của Công ty Nguyễn Hoàng dường như độc nhất vô nhị trên thế giới. Về cái khu dân cư 606 lô, giá thị trường ở khu vực này thấp nhất cũng 2 tỷ đồng mỗi lô, tính ra họ thu về 1.200 tỷ đồng. Còn việc họ bồi thường cao lắm chưa tới 400 tỷ đồng. Nhìn như vậy đã thấy thương vụ quá béo bở. Đó là chưa kể 30ha không đầu tư hạ tầng, sau này chuyển đổi mục đích thì siêu lợi nhuận quá”.
Trong giai đoạn ồn ào về con đường xã hội hóa trường ĐH Phạm Văn Đồng, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định khen thưởng số 402 ngày 27/3, công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 4 tập thể nhà trường (Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Hành chính – Quản trị, Khoa Sư phạm Tự nhiên và Khoa Ngoại ngữ) và tặng bằng khen cho 1 tập thể, 2 cá nhân.
Ngày 11/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép nhà trường liên kết đào tạo thạc sỹ với các trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ĐH Sư phạm và ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).
Theo kết luận mới nhất nêu trên, niềm tin của nhân dân cùng đội ngũ thầy và trò nhà trường vẫn còn hiện hữu. Câu chuyện xã hội hóa trường ĐH Phạm Văn Đồng tạm khép lại và xóa tan mối lo mất sự nghiệp giáo dục cao nhất ở tỉnh nghèo Quảng Ngãi.