Tòa án nhân dân với những dấu ấn đột phá trong cải cách tư pháp

Tiêu điểm - Ngày đăng : 10:21, 13/09/2018

Năm 2018, với tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, áp dụng nhiều hình thức tranh tụng nhằm nâng cao chất lượng xét xử tại phiên tòa, cùng việc triển khai 2 đề án lớn đã giúp hệ thống TAND tiếp tục có nhiều đổi mới mang tính đột phá trong cải cách tư pháp.

Tòa án nhân dân với những dấu ấn đột phá trong cải cách tư pháp

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo triển khai kế hoạch thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng

Áp dụng nhiều hình thức cải cách tư pháp trong xét xử

Dưới sự chỉ đạo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tư pháp khẩn trương tiến hành điều tra xét xử những vụ án tham nhũng lớn, ngay từ đầu năm 2018, một số vụ đại án đã được TAND đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật. Những phiên tòa này đã diễn ra theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật và điều đặc biệt đã thể hiện rõ tính nhân văn khi lần đầu tiên đưa vào áp dụng nhiều hình thức cải cách tư pháp mới, để lại ấn tượng về sự chuyên nghiệp trong chuyên môn cũng như tạo ra ấn tượng tốt trong nhân dân và dư luận xã hội. Trong đó, phiên tòa xét xử các bị cáo Ðinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xung quanh những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) được coi là một điển hình.

Một thay đổi dễ thấy nhất về hình thức tổ chức phiên tòa được bố trí, sắp xếp theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TANDTC ngày 28/7/2017 của TANDTC. Theo đó, vành móng ngựa được thay thế bằng bục khai báo. Khi được hỏi và thực hiện quyền tranh luận, bị cáo và những người tham gia tố tụng trả lời tại bục này. Đồng thời, Kiểm sát viên và Luật sư ngồi đối diện, ngang hàng với nhau, Hội đồng xét xử ngồi ở vị trí trung tâm. Khi không phải đứng vào vành móng ngựa, bị cáo cảm nhận được quyền con người, quyền công dân vẫn được tôn trọng, dù họ đang bị luận tội. Bởi theo nguyên tắc suy đoán vô tội, thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong điều kiện đó, bị cáo sẽ khai báo thoải mái hơn, tranh luận dân chủ hơn. Khi Luật sư ngồi ngang hàng với Kiểm sát viên cũng sẽ bảo đảm sự bình đẳng, dân chủ trong việc tranh tụng. Điều này cho thấy, Toà án coi trọng cả chức năng gỡ tội và chức năng buộc tội, xác định tranh tụng chính là biện pháp phản biện trực diện và khoa học để tìm ra sự thật của vụ án.

Ngoài ra, tại phiên tòa này, lần đầu tiên Điều tra viên được triệu tập để HĐXX làm rõ tính hợp pháp của các hành vi tố tụng trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Điều tra viên có nghĩa vụ trình bày rõ ràng về quá trình tiến hành tố tụng của mình khi Hội đồng xét xử yêu cầu.

Về diễn biến phiên tòa, phần xét hỏi được Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa điều khiển khá khoa học và logic; dành nhiều thời gian cho Luật sư và Kiểm sát viên tham gia xét hỏi; Giám định viên đã bị các Luật sư “truy” tới cùng để xác định cơ sở và căn cứ mà Giám định viên đã đưa ra kết luận xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; việc đối chất giữa các bị cáo được thực hiện ngay khi HĐXX thấy nội dung lời khai có mâu thuẫn và cần được làm sáng tỏ. Những tình tiết giảm nhẹ, những thành tích, cống hiến của bị cáo trong quá trình công tác và những đóng góp tích cực của họ trong quá trình phá án được xét hỏi cụ thể, đầy đủ, phân minh, làm cơ sở để HĐXX lượng hình.

Nội dung tranh luận, đối đáp tại phiên tòa vốn là nội dung phản ánh thực chất nhất chất lượng tranh tụng, mức độ cải cách tư pháp trong xét xử, thì trong cả hai giai đoạn xét hỏi và tranh tụng công khai tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đều cho rằng, HĐXX đã công tâm điều hành phiên tòa, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư được trình bày đầy đủ các luận cứ, quan điểm, chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Phần xét hỏi được HĐXX đặt câu hỏi ngắn gọn, súc tích, dành tới 3/4 thời gian xét xử cho phần tranh tụng, đối đáp giữa đại diện VKS và các luật sư. Đại diện VKS đã lắng nghe và trực tiếp tranh luận, đối đáp nhiều lượt với các luận điểm của luật sư một cách thẳng thắn, khách quan, công tâm nhằm xác định đúng hành vi sai phạm của từng bị cáo trong vụ án.

Qua quá trình xét hỏi và tranh tụng, VKS cũng đã có những thay đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với lời khai của các bị cáo và diễn biến thực tế tại phiên tòa. Cân nhắc toàn diện những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, VKS đã chủ động điều chỉnh mức án đề nghị và giảm một phần trách nhiệm dân sự đối với một số bị cáo.

Kết thúc phiên tòa cho thấy, tính dân chủ, bình đẳng của phiên tòa đã được ghi nhận cả về hình thức và nội dung, được các chuyên gia, những người tham gia phiên tòa đánh giá cao, đồng thời tạo dư luận tích cực, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân về một nền tư pháp tiến bộ.

Phát triển hệ thống tư pháp nhằm bảo vệ trẻ em

Trong tháng 6/2018, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (Tòa GĐ và NCTN) thứ hai của hệ thống TAND đã được TAND tỉnh Đồng Tháp công bố thành lập. Đây cũng là tin vui cho hệ thống TAND, bởi lẽ điều này khẳng định một chủ trương đúng đang dần được hiện thực hóa và nhân rộng trong toàn hệ thống.

Thời gian qua, nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, về bảo vệ và phát triển gia đình, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hệ thống TAND đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức lại hệ thống các Tòa chuyên trách. Đây là giải pháp có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tòa án nói chung, công tác xét xử, giải quyết các vụ việc về GĐ và NCTN nói riêng.

Việc ra đời và đang tiếp tục được nhân rộng mô hình Tòa GĐ và NCTN trong tổ chức bộ máy của TAND được xem là dấu ấn quan trọng, là một trong những thành tựu của tiến trình cải cách tư pháp. Việc thành lập phát triển Tòa GĐ và NCTN trong hệ thống TAND cũng chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa GĐ và NCTN là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với NCTN.

Việc triển khai mô hình xuất phát thực tiễn công tác xét xử, các vụ việc hôn nhân gia đình có những đặc thù riêng, xuất phát từ quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình. Khác với các vụ việc dân sự thông thường, các bên trong vụ việc hôn nhân và gia đình vẫn bị ràng buộc với nhau về trách nhiệm đối với con chung; về đạo đức truyền thống và có thể kéo dài suốt cuộc đời họ. Ngoài ra, việc giải quyết các vấn đề gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý của từng thành viên trong gia đình, có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến định hướng phát triển của trẻ em là thành viên trong gia đình. Bởi vậy, nếu giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách; đồng thời, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội.

Yêu cầu về cơ sở vật chất của Tòa GĐ và NCTN có tính chất đặc biệt, đặc thù: Phải có phòng tư vấn - hòa giải; phòng trẻ em; phòng trợ giúp y tế và phòng xét xử thân thiện. Bên cạnh đó, cùng với đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Tòa GĐ và NCTN còn cần có chuyên gia tâm lý, giáo dục, bác sĩ. Do đó các Tòa GĐ và NCTN được thành lập đều bố trí phòng xét xử theo hình thức bàn tròn không có việc phân rõ thứ bậc giữa HĐXX và những người tố tụng khác như Kiểm sát viên, Thư ký với những người tham gia tố tụng, thậm chí là với cả bị cáo và NCTN.

Phòng xét xử không còn bục khai báo, thay vào đó bị cáo được ngồi cạnh người bào chữa và những người đại diện của mình với mục đích bảo đảm họ có cơ hội nói hết những nguyên nhân, điều kiện phạm tội đến tình tiết mang tính giảm nhẹ của họ nhằm đảm bảo Tòa án xét xử được khách quan với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ tốt nhất cho NCTN. Việc thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo là NCTN phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của bị cáo. Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ, thủ tục xét xử cũng như các câu hỏi đưa ra tại phiên tòa cần đơn giản, rõ ràng để đảm bảo cho NCTN và đại diện của họ có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi.

Về quan điểm xử lý NCTN phạm tội được thực hiện trên tinh thần không chỉ coi NCTN phạm tội là đối tượng cần trừng phạt, mà còn coi họ là nạn nhân của môi trường xã hội, do đó việc xem xét trách nhiệm pháp lý của họ luôn phải đặt trong mối quan hệ với trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc giáo dục của gia đình nhà trường và xã hội. Mục đích của việc xử lý NCTN có hành vi nguy hiểm cho xã hội là nhằm giáo dục giúp đỡ họ xử lý sửa chữa sai lầm để phát triển lành mạnh.

Thí điểm về tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính

Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính do TAND chủ trì được thực hiện thí điểm từ ngày 12/3 đến 25/5/2018 đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Quá trình triển khai Đề án, đã có 10 trung tâm hòa giải được thành lập tại TAND thành phố và 9 TAND quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng, với 58 Hòa giải viên. Các Hòa giải viên được lựa chọn là người có kiến thức sâu rộng về pháp luật; có phẩm chất đạo đức; kỹ năng, phương pháp hòa giải và khả năng đối thoại tốt. Đến nay, các Trung tâm hòa giải và các Hòa giải viên đã đối thoại, hòa giải thành công 600/893 vụ việc, đạt tỷ lệ 67,2%. Mô hình hòa giải, đối thoại đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc, giảm tải cho công tác xét xử tại các Tòa án được thí điểm.

Việc thực hiện thí điểm Đề án đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin và bài học thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng tổng thể Đề án về đổi mới và tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của hệ thống TAND đã được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao cho TANDTC thực hiện và sẽ trình vào tháng 9/2018.

Trên cơ sở thí điểm này, TANDTC sẽ đề xuất Quốc hội xây dựng luật về mặt hòa giải, đối thoại, hình thành bộ máy và cơ chế tài chính cho hoạt động này, xây dựng hệ thống giáo trình để giảng dạy trong các trường đại học pháp lý và bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ Thẩm phán, Hòa giải viên. Do đó, quá trình thí điểm thành công sẽ tạo ra bước đột phá cho việc cải cách thủ tục hành chính, đóng góp vào thành công trong tiến trình cải cách tư pháp của nước ta; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh và đội ngũ Thẩm phán thanh liêm, vì công lý.

Thu Vân