Làm sao để "triệt tiêu" bạo lực học đường?
Giáo dục - Ngày đăng : 19:46, 02/04/2019
Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng, đáng nói người thực hiện hành vi và gánh chịu hậu quả đều là học sinh.
Nói tới vụ việc nữ sinh bị bạn lột đồ, đánh đập tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, dư luận không khỏi bức xúc. Xem đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội, bất cứ ai cũng phần nào cảm nhận được tổn thương cả về thể xác và tinh thần mà nhóm học sinh gây cho nạn nhân.
Rồi mới đây, hình ảnh một nữ sinh cấp II tại huyện Diễn Chau, tỉnh Nghệ An bị bạn học bắt quỳ gối, tát nhiều lần vào mặt càng dấy lên nỗi lo trong lòng những bậc phụ huynh về môi trường giáo dục thiếu an toàn.
Đáng nói, hành vi của các em đều chỉ được phát hiện, xử lý khi thông tin được đưa công khai trên mạng xã hội. Thầy cô giáo – người tiếp xúc với các em hàng ngày hoàn toàn bị động trước hành vi sai trái của các em.
Vì đâu những nữ sinh đang ở độ tuổi trong sáng, đẹp đẽ lại có thể hành động bạo lực, xâm hại trực tiếp đến thể xác, nhân phẩm của bạn học như vậy? Làm sao để chấm dứt bạo lực học đường, trả lại ngôi trường bình yên cho các em?
Nữ sinh bị đánh hội đồng tại Nghệ An
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội đã có những chia sẻ rất tích cực.
Đánh giá về những vụ việc xảy ra gần đây, TS Lâm cho rằng cần có chế tài mạnh tay để các em hiểu được bản thân các em và gia đình phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái. Cụ thể, có thể xử phạt hành chính từ 10 – 30 triệu đồng về hành vi xâm phạm thân thể để các em học sinh hiểu được việc làm của các em khiến phụ huynh cũng tổn thất. Các em có thể tiếp tục đi học nhưng phải lao động công ích trong thời gian dài để suy ngẫm và ý thức rõ về sai phạm của mình.
Bản thân ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục phải thay đổi phương pháp giáo dục cho phù hợp. Theo TS Lâm, hiện nay chúng ta mới chỉ giáo dục kỹ năng sống, trong khi bộ môn tâm lý học đường chưa được áp dụng. Các em cần phải học cách tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng bản thân và khoan dung với bạn học. Đó là cách triệt tiêu mầm mống của bạo lực học đường.
Quan trọng hơn hết, cần đề cao hơn nữa vai trò của lãnh đạo cơ sở giáo dục, cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo chủ nhiệm và Hiệu trưởng phải là nhà giáo, là người có kỹ năng xử lý tình huống, hiểu tâm lý sư phạm, có thể giải quyết được các trường hợp xung đột trong nhà trường. Đủ gần gũi để hiểu các em, và đủ khôn khéo, cứng rắn để uốn nắn, ngăn chặn hành vi xấu của các em.