“Của rề rề không bằng nghề cầm tay”
Giáo dục - Ngày đăng : 16:59, 23/03/2019
Bộ Giáo dục&Đào tạo đã có lộ trình phân loại học sinh sớm, đa phần học sinh sẽ học nghề cùng với học văn hóa chứ không chạy theo kiểu nhiều thầy thiếu thợ. Khi đó, vai trò của các trường nghề là vô cùng quan trọng. Thế nhưng tại xứ Thanh lại đang có chủ trương giải thể các trường trung cấp nghề để sáp nhập vào Trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này khiến cán bộ, giáo viên nhà trường hoang mang, lo lắng cho định hướng tương lai phát triển.
Phân loại học sinh sớm khiến nhu cầu học nghề tăng cao
Ngày 21/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2144/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đổi tên, sáp nhập, bổ sung chức năng, nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, dạy nghề, hướng nghiệp”. Theo đó, đến nay, 24/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiến hành đổi tên và sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. 3 đơn vị đang tồn tại song song chưa thực hiện sáp nhập là các huyện Nga Sơn, Thạch Thành và thị xã Bỉm Sơn. Khảo sát tại các địa phương này thì trường nghề đang rất cần thiết và nhiều năm qua hoạt động có hiệu quả.
Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn mỗi năm đào tạo hàng trăm học viên
Theo ghi nhận tại Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn (Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) có 41 cán bộ, nhân viên, giáo viên. Năm học 2018-2019, nhà trường có 596 học sinh đang theo học ở 6 mã ngành đào tạo nghề gồm: Nghề hàn, công nghệ ô tô, may thời trang, điện dân dụng, điện dân dụng và công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Trong đó, 3 mã ngành (hàn, công nghệ ô tô, may thời trang) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn là nghề trọng điểm quốc gia.
Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn đào tạo theo 2 hệ là hệ học 2 năm và hệ học 3 năm, gồm học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT. Sau 2-3 năm, học sinh tốt nghiệp ra trường sẽ có bằng trung cấp nghề, các em có thể học lên cao đẳng, đại học hoặc đi làm giúp đỡ gia đình. Đây cũng là hướng phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo chủ trương của Bộ GD&ĐT những năm gần đây về phân luồng học sinh phổ thông sau tốt nghiệp. Vì vậy, việc duy trì và phát triển trường trung cấp nghề không chỉ giúp đào tạo lao động, giải quyết việc làm cho lao động mà còn giúp phân luồng học sinh phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đơn vị đóng ở thị xã công nghiệp Bỉm Sơn nên tỷ lệ học sinh có việc làm ngay sau tốt nghiệp đạt gần 100%.
Sửa chữa đồ điện đang là nghề thu hút nhiều học viên
Tại Trường Trung cấp nghề Nga Sơn năm học 2018-2019, nhà trường có 670 học sinh đang theo học. Trường đào tạo 7 mã nghề, gồm: Nghề điện công nghiệp và dân dụng, hàn công nghệ cao, may và thiết kế thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn, chăn nuôi thú y, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.
Qua khảo sát, học viên ra trường có việc làm ngay đạt gần 90%. Hiện nay, nhà trường đang ký kết với 12 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Ttừ hiệu quả trong đào tạo nghề và tạo việc làm cho học sinh sau khi ra trường mà những năm gần đây, số lượng học sinh theo học tại trường ngày càng đông. Năm 2017, Trường Trung cấp nghề Nga Sơn là 1 trong 3 trường của tỉnh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn là cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo một số nghề trọng điểm (hàn và may thời trang) phục vụ phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025. Trường cũng là cơ sở được hỗ trợ đầu tư theo chính sách Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.
Trường Trung cấp nghề Nga Sơn hàng năm đào tạo hàng trăm lao động có trình độ tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu lao động của các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nếu giải thể Trường Trung cấp nghề Nga Sơn để sáp nhập vào Trung tâm giáo dục thường xuyên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên thì sẽ không còn chức năng đào tạo trung cấp nghề. Điều này sẽ không thu hút được học sinh vì phải có chứng chỉ nghề doanh nghiệp mới tuyển dụng. Những cán bộ, giáo viên có tâm huyết tại các trường này đang rất lo lắng.
Được biết, trước khi thực hiện đề án, toàn tỉnh có 6 trường trung cấp nghề. Trong đó, đã sáp nhập 3 trường trung cấp nghề vào Trung tâm giáo dục thường xuyên, còn lại 3 trường chưa sáp nhập thuộc huyện Nga Sơn, Thạch Thành, thị xã Bỉm Sơn. 3 địa phương trên đang có đề xuất giải thể Trung tâm giáo dục thường xuyên để sáp nhập vào trường trung cấp nghề. Các sở, ban ngành đang nghiên cứu, xem xét để trình cấp trên phương án hợp lý.
Việc bố trí sắp xếp các đơn vị cần phải linh hoạt, phù hợp với thực tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội chứ không nên cứng nhắc. Có như vậy học sinh sớm chủ động lựa chọn cho mình các ngành nghề đam mê, phù hợp với vị trí việc làm mà doanh nghiệp yêu cầu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tránh lãnh phí lớn cho gia đình học sinh và xã hội.