Cần tăng cường đổi mới trong giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 09:41, 21/03/2019
Theo như chia sẻ của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; kế hoạch triển khai cũng đang được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đồng thời, tỉnh cũng đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất đưa các trường mới thành lập, sáp nhập vào hoạt động. Tuy nhiên, theo thống kê, Điện Biên hiện còn hơn 30% phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, vì vậy, từ nay đến khi bắt đầu thực hiện chương trình mới, tỉnh Điện Biên sẽ cần thêm các nguồn lực để đầu tư về cơ sở vật chất.
Ông Lê Văn Thống, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mường Ẳng.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các Phòng giáo dục cũng thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn về tình trạng thiếu giáo viên và chất lượng giáo viên. Cụ thể, ông Lê Văn Thống, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mường Ẳng chia sẻ, đội ngũ giáo viên được đào tạo ở nhiều giai đoạn khác nhau với các hệ đào tạo khác nhau nên không đồng bộ về kiến thức, đây sẽ là khó khăn khi tiếp thu một chương trình mới. Ngoài ra, một bộ phận giáo viên vẫn dạy theo cách cũ nên ngại đổi mới.
Ông Thống đề nghị, Bộ GD-ĐT quan tâm bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên, cụ thể nên chọn những giáo viên giỏi nhất ở các trường về trung ương tập huấn, đội ngũ này sau đó về địa phương hướng dẫn cho giáo viên theo cách “cầm tay chỉ việc”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Còn ông Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Điện Biên lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, vì chương trình mới tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc. Ông Cường cho biết, việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tại địa phương rất khó, vừa thiếu nguồn tuyển, chất lượng nguồn tuyển cũng hạn chế.
Giải đáp những băn khoăn về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo một số trường sư phạm trọng điểm xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng phù hợp với 4 nhóm đối tượng cụ thể: Cán bộ quản lý cấp sở, phòng; đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó; giảng viên các trường sư phạm và đội ngũ giáo viên.
Để khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức bồi dưỡng hiện nay, các chuyên đề sẽ được xây dựng với các yêu cầu cụ thể, đáp ứng việc nâng cao chất lượng cho từng nhóm đối tượng, tránh chung chung. Quá trình bồi dưỡng sẽ bắt đầu từ đội ngũ cốt cán được lựa chọn từ các địa phương, sau đó nhân rộng ra đại trà.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập đến hình thức bồi dưỡng, trong đó trực tuyến được ưu tiên trước. Theo Bộ trưởng, hình thức này sẽ phát huy tác dụng ngay với những tỉnh miền núi điều kiện đi lại còn khó khăn như Điện Biên. Ngoài ra, quá trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý lần này sẽ chú trọng tới vấn đề tương tác, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết các tình huống sư phạm cụ thể.