Xây dựng hình ảnh tốt về nhà giáo
Giáo dục - Ngày đăng : 15:49, 20/03/2019
Xây dựng hình ảnh tốt về nhà giáo
Theo dự thảo kế hoạch “Nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng, kế hoạch này nhằm hỗ trợ nhà giáo, người lao động có thêm hiểu biết về pháp luật, có ý thức tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; biết cách ứng xử trước các tình huống sư phạm một cách chuẩn mực; biết cách xử lý các vấn đề từ phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh.
Kế hoạch cũng sẽ hỗ trợ cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn trong các trường học khả năng nhận diện dự báo tình hình trong và ngoài nhà trường, diễn biến tâm lý, tâm trạng, tư tưởng của giáo viên, học sinh và những đối tượng khác liên quan đến nhà trường, từ đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, tạo sự tin tưởng cho xã hội, tạo uy tín cho ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Theo đó, dự thảo kế hoạch đặt ra 3 nhóm giải pháp bao gồm: Tổ chức thông tin khách quan một số vấn đề giáo dục được dư luận phản ánh, từ đó quán triệt trách nhiệm của các cấp công đoàn trong việc phối hợp thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực và đạo đức cho nhà giáo; triển khai các giải pháp nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhà giáo, người lao động về pháp luật, ý thức và trách nhiệm với nghề dạy học; triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực ứng xử các tình huống sư phạm cho nhà giáo, người lao động.
Đánh giá về dự thảo kế hoạch, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dự thảo đã đưa ra được những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng gợi ý nên chọn việc, chọn điểm để làm sao cho hiệu quả, cụ thể, kế hoạch nên tập trung vào vấn đề nâng cao đạo đức nhà giáo. Mục tiêu, trong năm 2019 và những năm tiếp theo là tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về đạo đức nhà giáo trong toàn ngành, đẩy lùi vi phạm đạo đức, xây dựng hình ảnh tốt về nhà giáo, tạo niềm tin cho xã hội. Đồng thời, tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cộng đồng nhà giáo thông qua việc bảo vệ quyền lợi, danh dự cho những trường hợp nhà giáo oan sai.
“Đạo đức xã hội, đạo đức nhà giáo được rèn luyện qua thời gian. Vì vậy, cần kiên trì, lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tạo động lực là chính, tránh tạo ra áp lực. Cần lưu ý, tâm điểm phải là động viên, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhưng nghiêm khắc”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho rằng, muốn nhà giáo nâng cao được nhận thức và trách nhiệm về đạo đức trước hết cần cung cấp đầy đủ thông tin cho họ, để từ đó mỗi người tự nâng cao trách nhiệm. Trong đó, nên tăng cường các cuộc trao đổi tọa đàm dưới dạng chia sẻ, nhân rộng kinh nghiệm xử lý các tình huống sư phạm.
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng nhắc tới quan điểm “lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu” và mong rằng, các cấp công đoàn trong toàn ngành sẽ tích cực phát hiện để biểu dương, tôn vinh những tấm gương thầy cô giáo tận tụy cống hiến, có ảnh hưởng, truyền cảm hứng tới học trò.
“Gốc của đạo đức nhà giáo được xây dựng từ các trường sư phạm, vì vậy, mỗi trường sư phạm cần chủ động đổi mới tuyển sinh, đổi mới đào tạo, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và nâng cao đạo đức nhà giáo, để mỗi giáo viên không chỉ là “thợ dạy” mà còn là những nhà giáo dục”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục hoàn thiện dự thảo kế hoạch “Nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” để triển khai thực hiện trong thời gian tới, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao đạo đức nhà giáo. Đồng thời, chủ động kết nối để Bộ GD-ĐT sớm ký kết quy chế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.