Cựu sinh viên - “Sứ giả” kết nối quá khứ với tương lai

Giáo dục - Ngày đăng : 18:20, 16/03/2019

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ cựu sinh viên trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội, GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng, các cựu sinh viên chính là những sứ giả đem tri thức học ở nhà trường phục vụ xã hội, kết nối nhà trường với xã hội, kết nối quá khứ với tương lai.

Hôm nay (16/3), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức buổi gặp gỡ đại diện cựu sinh viên mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019.

Buổi gặp mặt thu hút mặt sự tham dự của hơn 40 cựu sinh viên tiêu biểu của các khoa. Họ là những đại diện của các thế hệ sinh viên, nhiều người hiện đang nắm giữ các vị trí công tác quan trọng trong xã hội và có mối liên hệ khá mật thiết với trường xưa lớp cũ, trong đó có những người rất quen thuộc với công chúng như ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, BTV Thanh Hường…

Không phân biệt tuổi tác, chức vụ, đều là… cựu sinh viên “Nhân văn”

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường, một người khá nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông từ báo hình đến báo điện tử, báo in… trong các chương trình bình luận quốc tế, đã vô cùng xúc động khi được gặp lại những gương mặt quen thuộc từng là sinh viên của ngôi trường Đại học Tổng hợp (cũ), nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội).

Cựu sinh viên - “Sứ giả” kết nối quá khứ với tương lai

GS.TS Phạm Quang Minh (phải), Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội

Vốn là cựu sinh viên K23 của trường, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết: Có một điều rất đặc biệt trong buổi gặp gỡ cựu sinh viên hôm nay là ở đây “không có sự phân biệt về chức vụ, tuổi tác, dù là những người đã và đang giữ những chức vụ rất cao trong xã hội như ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; GS.TS - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội KHLSVN (ĐHQGHN), hay ông Vi Quang Đạo - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ… tất cả đều mang một thương hiệu chung là “cựu sinh viên trường Đại học KHXH&NV”.

Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV cho biết: “Tôi chỉ học có một năm thôi, vẫn là cựu sinh viên. Các anh các chị có may mắn hơn, học cả 4 năm hoặc 5 năm, nhận tấm bằng của nhà trường. Nhưng chúng ta đều như nhau, dù thời gian học ngắn dài, họ có thể là là học viên cao học, nghiên cứu sinh hay là sinh viên… thì đều là sinh viên của nhà trường”.

GS.TS. Phạm Quang Minh bày tỏ vui mừng khi các cựu sinh viên trưởng thành từ ngôi trường này đã có mặt và thành công ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau, “từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội, từ trường đại học cho tới các viện nghiên cứu hay các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân…”. Cùng với đó, ông rất vui khi các thành quả của nhà trường được xã hội sử dụng, công nhận; các cựu sinh viên phát huy được tri thức, kiến thức đã học ở nhà trường, làm kiến thức đó giàu hơn, và qua đó làm cho uy tín của trường ngày càng vững bền và lan tỏa hơn.

Cựu sinh viên - "Sứ giả" kết nối nhà trường với xã hội

Tại buổi gặp mặt, nhiều cựu sinh viên đã chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Nguyễn Quang Ngọc xúc động nói: “May mắn của cuộc đời tôi là được vào trường Đại học Tổng hợp”. Ông kể rằng, vào đây (Đại học Tổng hợp), ông được học một thế hệ thầy cô tuyệt vời, dù ông từng được đi học ở nhiều nơi trên thế giới.

Cựu sinh viên - “Sứ giả” kết nối quá khứ với tương lai

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cựu sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp (cũ)

Cựu sinh viên - “Sứ giả” kết nối quá khứ với tương lai

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

Cựu sinh viên - “Sứ giả” kết nối quá khứ với tương lai

Ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, Hà Nội, là một trong những cựu sinh viên trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội

Ông cho biết ông cũng đã từng đi dạy ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước, và nhận thấy một điều rằng, “tổng hợp” hay “liên ngành” chính là điều quan trọng nhất, là “truyền thống” của rất lớn của trường Đại học Tổng hợp trước đây, và trường Đại học KHXH&NV ngày nay. “Có thể nói, tổng hợp được tất cả các kiến thức, kinh nghiệm của nhiều ngành, kể cả xã hội lẫn tự nhiên”, ông Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Đó cũng là điều cũng được nhiều cựu sinh viên chia sẻ trong buổi gặp mặt hôm nay. Đối với họ, những kiến thức tổng hợp, liên ngành đã giúp họ không chỉ hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao, mà còn gặt hái được những thành công nhất định, được bạn bè đồng nghiệp, xã hội ghi nhận. Thậm chí, có những cựu sinh viên làm “trái nghề” nhưng vẫn rất thành công; và họ chia sẻ, kiến thức về xã hội - nhân văn chính là “kiến thức nền” giúp họ có được những thành quả ngọt ngào sau khi rời khỏi ghế nhà trường.   

Nhân dịp này, GS.TS Phạm Quang Minh cũng gửi lời cảm ơn tới các cựu sinh viên vì họ đã học tập ở ngôi trường này, chúc mừng và mong muốn những cựu sinh viên nhà trường ngày càng thành công hơn nữa. “Họ chính là những sứ giả của nhà trường đem những tri thức học ở nhà trường tới xã hội, phục vụ cho xã hội. Họ chính là hình ảnh tốt đẹp nhất của nhà trường, kết nối nhà trường với xã hội, kết nối quá khứ và tương lai”.

Không có một đất nước nào, cá nhân nào mà không có lịch sử của mình, tất cả sự phát triển hiện nay và cả tương lai sau này đều dựa trên nền tảng quá khứ. Và chúng ta cần phải biết gìn giữ, trân trọng quá khứ, kể cả những thành công và thất bại, kể cả những điều mà chúng ta chưa làm được. Đó cũng là ý nghĩa của câu khẩu hiệu “Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai” - slogan của trường Đại học KHXH&NV.

Bạch Dương