Băn khoăn "chạy chọt" trong lựa chọn sách giáo khoa
Giáo dục - Ngày đăng : 15:16, 12/03/2019
Băn khoăn tiêu cực khi lựa chọn sách giáo khoa
Góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/3, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu ý kiến: Điều 31 có ghi, mỗi môn học có một hoặc một số bộ sách giáo khoa (SGK); thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.
"Quy định như vậy là chưa quán triệt tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội, vì Nghị quyết có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải biên soạn 1 bộ SGK nhưng trong dự thảo không thấy trách nhiệm của Bộ GD&ĐT”, ông Chiến nói.
Khẳng định vấn đề SGK cũng là vấn đề mình băn khoăn nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn quy định “Bộ GD&ĐT thực hiện biên soạn một bộ SGK, bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Còn việc lựa chọn sử dụng giảng dạy là việc lựa chọn của trường sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng như vậy quá phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, từ quy định đó sẽ nảy sinh ra xu hướng “chạy”, “chạy” để bộ SGK của mình được sử dụng ở trường này, tỉnh nọ. Bên cạnh đó còn là sự lãng phí khi Nhà nước bỏ tiền ra cho Bộ GD&ĐT biên soạn SGK.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có những môn học như Lịch sử, Địa lý… không thể có nhiều bộ SGK và lấy ví dụ: Như môn Lịch sử, có thể có câu chuyện minh họa, bổ sung "nhưng lịch sử Việt Nam ai dám biên soạn khác hay không?". Hoặc "Địa lý Việt Nam, núi non, sông ngòi, làm sao một môn học có nhiều SGK được. Không được!”.
Các chuyên gia muốn nhiều bộ SGK thì phải quy định rõ vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc thẩm định, phát hành. Ngoài ra, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn SGK nhưng các trường không sử dụng thì phải xem xét vai trò của Bộ trong việc này. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo thêm.
Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt và chịu trách nhiệm
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: Cho đến nay vẫn có 1 bộ SGK thống nhất. Tới đây, dù ai soạn SGK, có thể nhiều nhóm tác giả khác nhau, đề cập ở nhiều lĩnh vực, hoàn cảnh, địa phương, địa bàn, vùng dân tộc … thì bộ SGK vẫn được Bộ GD&ĐT thẩm định. Khi phát hành, đương nhiên bộ sách đó, người chịu trách nhiệm vẫn là Bộ GD&ĐT.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nên lần đổi mới này có nhiều thay đổi trong cách dạy, cách học, chuyển từ giảng dạy kiến thức sang đào tạo năng lực cho học sinh.
Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, trong lần đổi mới này, quan trọng nhất là chương trình giáo dục phổ thông có tính chất pháp lệnh, còn SGK chỉ là công cụ, tài liệu phục vụ trong giảng dạy chứ không phải là tài liệu bắt buộc, duy nhất.
Theo ông Bình, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước, bao gồm chương trình tổng thể và chương trình môn học. Trên cơ sở đó, các tổ chức, cá nhân mới viết SGK để cụ thể chương trình.
Theo sát quá trình xây dựng luật, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, SGK do ai biên soạn cũng phải trình Hội đồng quốc gia thẩm định. Bộ trưởng có trách nhiệm phê duyệt có sử dụng hay không.
"SGK đều chính thống và tầm quốc gia hết. Trách nhiệm ban hành thuộc Bộ trưởng GD&ĐT", ông Đam nói và chia sẻ rằng chủ trương ban đầu Bộ là chỉ muốn làm một bộ SGK. Sau này, xu hướng dạy học thế giới dạy không phụ thuộc hoàn toàn vào SGK mà căn cứ chương trình giáo dục phổ thông nên Bộ GD&DT đã thay đổi quy định.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quochoi.vn
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông lần này rất khác. Theo đó, chương trình Giáo dục phổ thông sẽ có tính pháp lệnh thống nhất trong toàn quốc. Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết bám chặt SGK, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp vì mục đích chính của đổi mới lần này là đổi mới dạy và học.
Đây là bộ sách chung chứ không phải SGK của riêng Bộ GD&ĐT. Ngoài tham gia biên soạn bộ sách này, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các tổ chức khác biên soạn sách bám theo chương trình Giáo dục phổ thông trước khi tổ chức thẩm định.
“Điều đó có nghĩa là kể cả bộ sách do Bộ GD&ĐT chỉ đạo ban hành hay sách của cá nhân, đơn vị khác viết đều phải do Bộ trưởng Giáo dục ký quyết định phê duyệt ban hành mới được in, phát hành”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Cũng theo vị tư lệnh ngành giáo dục, tới nay Bộ GD&ĐT vẫn đang triển khai thực hiện Nghị quyết 88, tập trung biên soạn một bộ sách để sang năm 2020, khối lớp 1 có bộ sách mới để dùng. Người biên soạn sách không chỉ là người của Bộ mà được chọn qua đấu thầu để các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị bên ngoài cùng tham gia chứ không phải là bộ sách độc quyền của Bộ.