Học sinh 12 chia sẻ về cuộc đua nước rút

Giáo dục - Ngày đăng : 17:17, 05/03/2019

Chỉ còn hơn ba tháng nữa là các “chiến binh” năm 2001 bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Để có kết quả tốt nhất cho kỳ vượt vũ môn quan, nhiều "chiến binh" tăng tốc học ngày học đêm.

Cuộc đua nước rút

Dẫu đã được thông báo về những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, thế nhưng nhiều sĩ tử sinh năm 2001 vẫn không khỏi lo lắng và áp lực. Chính vì vậy, thời điểm nước rút này nhiều em quên ăn, quên ngủ để học.

“Thời điểm từ nay đến khi diễn ra kỳ thi không còn dài, cả lớp em đang tăng tốc để học, một ngày em học liền 3 ca rồi đêm về cày đề nhưng em và nhiều bạn của mình vẫn cảm thấy chưa đủ, chúng em ước một ngày có 48 tiếng để học”, là chia sẻ của nữ sinh Nguyễn Thị Phương Anh- học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội).

Phương Anh chia sẻ thêm, càng ngày cánh cửa vào các trường đại học càng khắt khe, chính vì vậy muốn có cơ hội vào được trường tốt thì bản thân phải thực sự có năng lực. Những năm gần đây, có những trường bình quân mỗi môn được 8-9 điểm vẫn không có cơ hội vào trường nên chúng em càng áp lực.

Học sinh 12 chia sẻ về cuộc đua nước rút

Nữ sinh Nguyễn Ngân Hà – trường THPT chuyên Hà Tĩnh – tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh NVCC.

Không chỉ Phương Anh mà Đậu Thị Hồng Nhung – thí sinh tự do cũng áp lực không kém, Hồng Nhung chia sẻ: “Năm ngoái em đăng ký thi vào ĐH Ngoại Thương nhưng không đậu, năm nay em thi lại dẫu lợi thế hơn các em khóa sau về thời gian hơn nhưng em vẫn áp lực, ngày nào cũng học đến 2 giờ sáng chưa tính thời gian đi học thêm ở lò luyện thi”.

Dẫu là học sinh trường chuyên, có lợi thế hơn các bạn rất nhiều nhưng nữ sinh Nguyễn Ngân Hà – trường THPT chuyên Hà Tĩnh – tỉnh Hà Tĩnh vẫn không khỏi lo lắng, áp lực cho kỳ vượt vũ môn quan của mình sắp tới. Ngân chia sẻ: “Đề thi năm nay có thêm kiến thức lớp 10 em cũng căng thẳng và lo lắng bởi lượng kiến thức nhiều hơn hẳn. Chính vì vậy, để cân bằng kiến thức và không bị bỏi sót buổi sáng ngoài học trên trường thì em dậy sớm hơn để học những môn học thuộc. Buổi chiều em dành khoảng 3 tiếng và tối dành 4-5 tiếng các môn yêu cầu suy luận, logic và tính toán”.

Ngân Hà cũng chia sẻ thêm, em không học dồn đống kiến thức, em chia ra từng phần, đánh dấu trọng tâm của kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 rồi học. “Ví dụ phần lý thuyết lớp 10, 11 rất nhiều nếu mà cầm sách gắng học thuộc thì rất nhanh quên. Bởi vậy, em không học kiểu học thuộc mà theo cách học hiểu rồi phát biểu lại theo cách mình hiểu”. Được biết, tần suất đi học thêm của Ngân Hà 6 đến 7 buổi/tuần, còn lại chủ yếu Ngân Hà dành thời gian tự học ở nhà.

“Hồi trước em học theo chuyên đề từng phần thật kỹ thì bây giờ em bắt đầu “cày đề”. Tuy nhiên em không học tràn lan, không vội làm quá nhiều đề vì em làm nhiều đề. Sau mỗi lần làm đề em sẽ vạch ra những cái sai của mình rồi qua đó dành một buổi để học từ những cái sai đó cố gắng không mắc những lỗi tương tự dần dần điểm số của em cũng cải thiện hơn” Hà Ngân nói.

Hà Ngân chia sẻ thêm, thời điểm này bất kể ai cũng rất khó tránh khỏi những lúc áp lực mệt mỏi. Bản thân em những lúc đó em không cố ép bản thân học thay vào đó em làm những việc mình thích để giảm áp lực ôn tập.

Mong rằng sẽ là những thay đổi sẽ tạo được kỳ thi khách quan

Học sinh 12 chia sẻ về cuộc đua nước rút

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Đó là chia sẻ của nhiều thí sinh năm nay bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.  Cụ thể, năm nay để tạo sự khác quan cũng công bằng cho các thí sinh tham dự kỳ thi, tránh những tiêu cực không đáng có như kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD-ĐT yêu cầu có công an bảo vệ và gắn camera an ninh giám sát khu vực thi 24/24 giờ; phó trưởng điểm hoặc thư ký của trường đại học trực ban đêm tại điểm thi.

Khu vực chấm thi có camera an ninh giám sát 24/24 giờ; quy định cách ly trong quá trình làm phách bài thi tự luận Ngữ văn (có thể lựa chọn một trong hai phương án là đánh phách 1 vòng hoặc đánh phách 2 vòng nhưng phải bảo đảm cách ly để đảm bảo không có sự tương tác giữa người đánh phách vòng 1 và người đánh phách vòng 2 và với cán bộ chấm thi sau này). Cùng với đó, chấm bài thi tự luận quy định rõ hơn việc bốc thăm, phân chia bài thi, chấm 2 vòng…

Quy trình chấm thi trắc nghiệm điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn. Riêng phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã chạy thử và cơ bản sẵn sàng vận hành.

Năm nay, phần mềm được nâng cấp hoàn thiện theo hướng mã hóa dữ liệu; đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh; quản lý người dùng; ghi lại lịch sử mọi thao tác trên phần mềm…

“Em hoàn toàn ủng hộ sự thay đổi này của Bộ GD-ĐT và mong năm nay sẽ đảm bảo được sự công bằng tuyệt đối trong việc chấm điểm để mang lại một mùa thi THPT quốc gia chất lượng nhất”, Ngân Hà chia sẻ thêm.

Đức Duy