Tọa đàm về môi trường kinh doanh và hòa giải thương mại

Tiêu điểm - Ngày đăng : 14:12, 14/08/2018

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” (GIG), TANDTC phối hợp với Văn phòng Dự án GIG tổ chức tọa đàm trao đổi về “Môi trường kinh doanh và hòa giải thương mại nhìn từ góc độ giải quyết tranh chấp tại Tòa án”.

Tham dự tọa đàm, về phía quốc tế có các ông: Michael Greene, Giám đốc quốc gia Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ; Michael True Blood, Cố vấn trưởng của Dự án USAID GIG; David Anderson, Giám đốc Dự án GIG.

Về phía TAND có các Thẩm phán TANDTC; Thẩm phán, cán bộ TAND cấp tỉnh, cấp huyện khu vực phía Bắc làm công tác xét xử trong lĩnh vực dân sự và kinh doanh thương mại.

Tọa đàm về môi trường kinh doanh và hòa giải thương mại

Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào trình bày về nâng cao hiệu quả thực thi hợp đồng theo các quy định của Bộ luật TTDS 2015

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe TANDTC đánh giá khái quát về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua và đánh giá những đóng góp của Tòa án trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, trao đổi về kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải để hiểu sâu sắc hơn lợi ích của cơ chế này.

Theo đó, năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia và các năm tiếp theo từ 2015 - 2018. Mục tiêu của Chính phủ nhằm rút ngắn thủ tục giải quyết vụ việc phá sản; hoàn thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức ngoài Tòa án; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu tài sản và hiệu lực thực thi hợp đồng. Tăng cường kết nối thông tin giữa Tòa án với các cơ quan liên quan; áp dụng mô hình “hành chính tư pháp một cửa” tại các cấp Tòa án; áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với các vụ án có giá trị nhỏ; hoàn thiện mô hình “Tòa án điện tử”…

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, TAND các cấp đã có những nỗ lực đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, TANDTC đã tích cực tham gia nghiên cứu sửa đổi Luật phá sản năm 2004 và trình Quốc hội ban hành Luật Phá sản 2014 với những đổi mới quan trọng, mở rộng phạm vi chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc phá sản; bổ sung chế định quản tài viên.

TANDTC dự thảo và trình Quốc hội thông qua Bộ luật TTDS 2015 trong đó mở rộng thẩm quyền của Tòa án, quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn, đảm bảo tốt hơn các quyền tố tụng của đương sự, đảm bảo tranh tụng tốt hơn trong quá trình giải quyết vụ việc; áp dụng tương tự luật trong trường hợp pháp luật chưa có quy định…

Tọa đàm về môi trường kinh doanh và hòa giải thương mại

Ông David Anderson, Giám đốc Dự án GIG chia sẻ kinh nghiệm về hòa giải thương mại

TANDTC cũng đã ban hành các Nghị quyết hướng dẫn thi hành BLTTDS và ban hành biểu mẫu để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động tố tụng;

Hội đồng Thẩm phán TANDTC hỗ trợ tích cực cho việc phát triển hoạt động trọng tài với việc ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại; ủng hộ việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với công ước New York 1958.

TANDTC bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho các Thẩm phán trên toàn quốc về việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án; phối hợp với IFC ban hành Sổ tay pháp luật về trọng tài và hòa giải để các Thẩm phán tham khảo kỹ năng, trình tự thực hiện các thủ tục tố tụng có liên quan.

Mặt khác, các Tòa án thực hiện công bố công khai trên mạng internet tất các bản án đã có hiệu lực pháp luật theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP để công chúng tiếp cận miễn phí; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến và đẩy mạnh lựa chọn án lệ để thúc đẩy việc áp dụng thống nhất pháp luật.

Hiện tại, TANDTC đang tiến hành xây dựng Tòa án điện tử và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các hoạt động tư pháp thông qua các giao thức điện tử. TANDTC cũng ban hành Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; hầu hết các Tòa án đã thực hiện việc công bố lịch xét xử trên internet…

Đặc biệt, với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và giảm tải áp lực công việc lên hệ thống Tòa án, TANDTC đã triển khai thí điểm về hòa giải bên cạnh Tòa án tại Hải Phòng với sự tham gia của TAND TP Hải Phòng và 9 Tòa án cấp quận, huyện. Kết quả thí điểm cho thấy tỷ lệ hòa giải thành đạt được rất cao, có thời điểm đến 74,6%.

Trong quá trình tọa đàm, các Thẩm phán TANDTC đã chia sẻ thực trạng môi trường kinh doanh nhìn từ góc độ Tòa án; nâng cao hiệu quả thực thi hợp đồng theo các quy định của Bộ luật TTDS 2015 và pháp luật liên quan; đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Tòa án; sự tham gia và hỗ trợ của Tòa án đối với các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Đồng thời chuyên gia của Dự án USAID GIG chia sẻ về mối liên hệ giữa thực thi hợp đồng với tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết số 19-NQ/CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. 

Bên cạnh đó, các Thẩm phán Việt Nam được Thẩm phán Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm về hòa giải gắn với Tòa án; pháp luật Hoa Kỳ về hòa giải; quy trình hòa giải, tham chiếu đến thực tiễn Việt Nam; các kỹ năng và kỹ thuật dành cho Thẩm phán.

Các đại biểu cũng đã chia tổ để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về thực tiễn giải quyết án tại địa phương; tham gia đóng vai một vụ hòa giải thương mại…

Tọa đàm về môi trường kinh doanh và hòa giải thương mại

Các đại biểu thảo luận theo nhóm

Thông qua buổi tọa đàm, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến thẳng thắn, mang tính xây dựng về thực tiễn áp dụng pháp luật, tìm hiểu kinh nghiệm và thông tin từ chuyên gia nước ngoài để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam cho phù hợp. Hơn nữa, các Thẩm phán, cán bộ Tòa án có thêm góc nhìn mới, những kiến thức mới về vai trò của Tòa án đối với việc phát triển kinh tế của quốc gia nói chung, cũng như việc hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam nói riêng.

Hiện nay, TANDTC đang xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới và tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại bên cạnh Tòa án theo chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài. Kết quả của buổi tọa đàm là nguồn thông tin bổ ích để TANDTC nghiên cứu trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại cũng như xây dựng Dự án luật hòa giải bên cạnh Tòa án nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp, tăng cường niềm tin của công chúng và các nhà đầu tư vào hoạt động tư pháp cũng như Tòa án Việt Nam.

Trần Minh Giang