Học sinh TP.HCM kêu khổ vì áp lực thành tích

Giáo dục - Ngày đăng : 22:19, 16/02/2019

Ngày 16/2, tại chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ thiếu nhi xuân Kỷ Hợi 2019, các em học sinh đã nêu lên những vấn đề về áp lực bài vở cũng như vệ sinh môi trường.

Ngày 16/2, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức chương trình Lãnh đạo TP gặp gỡ thiếu nhi dịp xuân Kỷ Hợi 2019 với chủ đề “Đội viên, học sinh thành phố chung tay bảo vệ môi trường”.

Tham dự chương trình có bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP cùng nhiều lãnh đạo các ban ngành và hơn 170 em học sinh tiêu biểu của TP.

Đề xuất giảm áp lực thành tích

Tại buổi gặp gỡ, các thiếu nhi đề cập đến các vấn đề chính như: thời gian học quá dài, không có thời gian vui chơi giải trí; sĩ số học sinh ở các lớp tại một số trường quá đông; còn hành vi xả rác ra đường và xuống kênh rạch; hàng rong trước cổng trường, thực phẩm không rõ nguồn gốc ở trong trường học...

Em Ngô Triệu Vy - Học sinh lớp 8, trường THCS Linh Trung (quận Thủ Đức) cho rằng, hiện có 50 – 70% học sinh học 1 buổi/ngày chứ không được học 2 buổi/ ngày, vì số lượng học sinh quá đông dẫn đến thiệt thòi, học không đủ kiến thức, chất lượng học tập vì vậy mà giảm sút. Nhiều trường không gian rất chật hẹp, không có nơi chơi thể thao, phải chen chúc trong giờ ra chơi.

Bên cạnh đó, nữ sinh này cũng nêu việc cần bỏ xếp hạng học sinh trong lớp học. Bởi việc làm này khiến phụ huynh so bì thành tích con của mình với người khác, gia tặng việc chạy đua thành tích khiến áp lực của học sinh rất lớn.

Học sinh TP.HCM kêu khổ vì áp lực thành tích

Các em học sinh đề xuất ý kiến với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Phương Thùy

Cùng quan điểm, em Võ Ngọc Thủy Tiên - Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6) chia sẻ, cần giảm bớt áp lực thi đua cho các thầy cô. Khi lên lớp thầy cô bị áp lực chạy đua dẫn đến dạy dồn nén kiến thức, rất khó để học sinh tiếp thu. Cả thầy và trò đều mệt mỏi, căng thẳng. Các cô chú nên gặp gỡ giáo viên để lắng nghe.

Trả lời trực tiếp những thắc mắc, trăn trở của thiếu nhi, bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, chương trình giáo dục TP đang hướng tới là xây dựng chương trình tăng trải nghiệm thực tế, giảm lý thuyết để tránh gây áp lực cho học sinh. Về sĩ số, số học sinh tăng lên hằng năm, đặc biệt quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất thì Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ ghi nhận điều này. Thời gian tới, Sở sẽ làm việc với quận Thủ Đức để bố trí lớp học cho phù hợp.

Hiến kế bảo vệ môi trường

Với chủ đề chính của buổi gặp gỡ "Học sinh thành phố chung tay bảo vệ môi trường", nhiều học sinh đã chia sẻ những câu chuyện chưa tốt trong việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải ở địa phương, chất lượng nhà vệ sinh trường học.

Em Vũ Đình Thi - Học sinh trường THCS Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) cho biết, khu vực biển Cần Giờ hiện đang có nguy cơ ô nhiễm vì người dân và du khách hay xả rác, vỏ cua, ghẹ, ốc xuống bãi cát, xuống biển khiến một số khu vực đầy rác thải và bốc mùi hôi khó chịu. Các cơ quan cần lắp đặt các thùng rác công cộng và tuyên truyền người dân không xả rác để bảo vệ môi trường biển Cần Giờ.

“Một người bạn của em nhờ chuyển lời đến lãnh đạo TP mong rằng có chính sách hỗ trợ tiền đò miễn phí cho học sinh Cần Giờ khi tham gia các hoạt động của huyện và TP”, Vũ Đình Thi chia sẻ.

Còn em Nguyễn Đạt Mẫn - Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức) thẳng thắn nói: “Con thấy rác thải, nhất là rác thải nhựa rất lâu phân hủy nhưng hiện nay ly nhựa, dĩa nhựa, ống hút được sử dụng rất phổ biến, nhất là các bạn học sinh. Những sản phẩm này vừa không tốt cho sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến môi trường nhưng chưa được quan tâm nhiều. Con mong các cô, chú lãnh đạo quan tâm về vấn đề này và có cách tuyên truyền hiệu quả đến các bạn học sinh để các bạn biết và sử dụng những đồ dùng tốt hơn, thân thiện với môi trường hơn”.

Học sinh TP.HCM kêu khổ vì áp lực thành tích

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ với các em học sinh. Ảnh: Phương Thuyf

“Điểm tập kết rác trên đường Hùng Vương ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan và cả giao thông. Nhiều lần con đi học qua thấy các cô, chú đậu xe ép rác chiếm nửa đường, vào giờ cao điểm là kẹt xe. Có nhiều cô, chú đi thu gom rác còn chạy xe ngược chiều từ đường Trần Bình Trọng ra điểm tập kết ở đường Hùng Vương gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, Trần Minh Như - Học sinh trường tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3) phản ánh.

Em Nhã Thi - Học sinh trường THCS Vân Đồn (quận 4) mong trường mình, cũng như cả quận 4, có nhiều nhà vệ sinh như quận 1. Học sinh này cho rằng số lượng nhà vệ sinh ở quận 4 còn ít, có thu phí nhưng không sạch sẽ.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, qua mỗi lần gặp gỡ thiếu nhi TP, lãnh đạo TP rất tự hào về các em. Qua ý kiến của các em, lãnh đạo TP càng có niềm tin vào những chủ nhân tương lai của đất nước. Các ý kiến của các em đã được lãnh đạo các đơn vị tiếp thu và thông tin lại, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng mong muốn, TP đang nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sống cho người dân, trong đó có các em thiếu nhi, hy vọng các em sẽ tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử để thêm yêu và tự hào về TP, về truyền thống dân tộc; hãy sử dụng thông minh và đừng lạm dụng các thiết bị điện tử, dành thời gian giúp đỡ gia đình và mọi người xung quanh; tiếp tục tích cực tham gia và vận động người thân, bạn bè giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác để xây dựng TP trở thành đô thị đáng sống, văn minh, phát triển.

Chí Tâm