Những lưu ý khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới
Giáo dục - Ngày đăng : 10:58, 13/01/2019
8 vấn đề mà Bộ GD-ĐT lưu ý
Thứ nhất: Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới của trường theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường.
Thứ 2: Quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD-ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức kịp thời cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 3: Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học; đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; chọn cử đội ngũ giáo viên cốt cán đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Thứ 4: Tổ chức rà soát, sửa chữa, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 5: Phối kết hợp với các cơ quan thông tin - truyền thông tại địa phương đẩy mạnh truyền thông với cha mẹ học sinh và xã hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ 6: Giám sát thường xuyên công việc để kịp thời phát hiện những khó khăn và có các biện pháp xử lý hiệu quả khi phát sinh; tổng hợp ý kiến các tổ/nhóm chuyên môn và báo cáo Sở GD-ĐT trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 7: Chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn: Chủ động xây dựng kế hoạch tổ/nhóm chuyên môn, kế hoạch cá nhân; dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp giải quyết khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chủ động xây dựng kế hoạch tổ/nhóm chuyên môn, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch của nhà trường.
Đôn đốc giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ/nhóm chuyên môn để kịp thời đề xuất với nhà trường các biện pháp xử lý. Tổng hợp ý kiến và báo cáo lãnh đạo nhà trường trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ 8: Chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên: Chủ động sáng tạo trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình kế hoạch của tổ/nhóm chuyên môn và kế hoạch của nhà trường.
Tích cực tham gia tập huấn đầy đủ và có chất lượng các buổi tập huấn do trường và các cấp quản lý tổ chức. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng và chủ động trao đổi các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân, thực hiện dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo đúng các văn bản quy định. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm thực hiện dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Phát hiện những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tích cực tự làm thiết bị dạy học và xây dựng học liệu điện tử môn học theo phân công của tổ/nhóm chuyên môn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tổ chức lựa chọn và hướng dẫn học sinh lựa chọn sách giáo khoa mới phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT và điều kiện hoàn cảnh của địa phương, của nhà trường, gia đình học sinh.
Tích cực truyền thông tới cha mẹ học sinh và xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ hơn về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung.
Tích cực tự làm thiết bị dạy học và xây dựng học liệu điện tử môn học theo phân công của tổ/nhóm chuyên môn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh Hải Nam.
Ba yêu cầu đối với giáo viên phổ thông
Bên cạnh đó, ba yêu cầu của chương trình giáo dục mới đối với các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông như sau:
1. Tích cực thực hiện nâng cao năng lực của các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm theo “Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (sau đây gọi tắt là Chương trình ETEP).
2. Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên để thực hiện các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
3. Phối hợp với các Sở GD-ĐT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên theo nhu cầu thực tế của các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chương trình GDPT mới kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lí luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.
Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ Chương trình GDPT hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.
Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.