Bộ trưởng GD-ĐT: Tập trung rà soát các đề tài nghiên cứu khoa học đã có
Giáo dục - Ngày đăng : 10:48, 06/01/2019
Cụ thể, tại Cuộc họp tổng kết hoạt động của Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia KHGD/16-20 năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019. Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục, đến nay chương trình đã có 49 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định (có căn cứ pháp lý) để thực hiện. Về cơ bản, các nhiệm vụ được xác định để thực hiện Chương trình đã đáp ứng được yêu cầu về “diện” và “điểm”.
Diện là mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29 đều có một hoặc một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai nghiên cứu. Điểm là tập trung ưu tiên triển khai các nhiệm vụ có tính chất “gỡ nút thắt”, cung cấp cơ sở khoa học góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong đổi mới giáo dục và đào tạo.
Toàn cảnh cuộc họp.
Nhận thức về vai trò của nghiên cứu khoa học trong xây dựng, hoạch định chính sách, cơ chế và văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục và đào tạo, các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các đề tài, đề án; tiếp nhận, tham khảo, sử dụng sản phẩm, kết quả nghiên cứu phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo của đơn vị.
Kết quả công tác phối hợp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của các sản phẩm khoa học, rút ngắn dần khoảng cách giữa nghiên cứu - chuyển giao - sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và khoa học giáo dục.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, năm qua Chương trình Khoa học Giáo dục đã có sự chuyển biến rất mạnh trong triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, không phải đến khi có kết quả nghiên cứu thì các đề tài mới có tác dụng mà chúng ta đã “gặt hái” được nhiều kết quả ngay trong quá trình thực hiện. Ví dụ như một số đề tài nghiên cứu xây dựng luận cứ cho Luật Giáo dục sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học... Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả ban đầu, vì thế cần thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, bất cập để điều chỉnh cho tốt hơn.
Năm 2019, Bộ trưởng đề nghị, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đề tài đã được phê duyệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, cần tập trung rà soát các đề tài đã có, nếu đề tài nào đi đúng hướng thì tiếp tục phát triển, còn đề tài nào không đúng hướng sẽ phải điều chỉnh.
Trên cơ sở rà soát 9 nhóm nhiệm vụ của Nghị quyết 29, nếu còn những khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu ở quy mô cấp quốc gia sẽ bổ sung, điều chỉnh nội dung để xây dựng luận cứ cho các chính sách. Quan điểm là điều chỉnh nội dung nhưng không tăng nhiệm vụ.
Bộ trưởng lưu ý, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình cần chuẩn bị cho việc tổng kết chương trình giai đoạn 1 và đề xuất nhiệm vụ giai đoạn 2. Trong các nhiệm vụ giai đoạn 2 cần đặc biệt quan tâm tới mảng khoa học giáo dục và tâm lý giáo dục, đây là nền tảng dài hơi cho đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, cũng cần có thêm những đề tài nghiên cứu về đội ngũ giáo viên như kinh nghiệm phát triển đội ngũ; tâm lý nghề giáo…
Bên cạnh đó, cần sớm kiện toàn Ban Chủ nhiệm theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, tăng cường cơ chế chuyên gia khoa học trong hoạt động của Ban Chủ nhiệm; tiếp tục hoạt động truyền thông, công bố kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với truyền thông đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng kế hoạch và thực hiện hoạt động hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao kết quả thực hiện chương trình.