Chương trình GDPT mới: Mỗi tỉnh, thành phố được lựa chọn nội dung giáo dục sao cho phù hợp

Giáo dục - Ngày đăng : 17:30, 30/12/2018

Theo như Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục của địa phương có thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết.

Theo như phân tích của Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở các nước phát triển, chương trình GDPT được phân chia thành 3 cấp độ: chương trình quốc gia, chương trình địa phương, chương trình nhà trường. Việc phân chia này thể hiện tính mở của chương trình quốc gia, tăng quyền và trách nhiệm tự chủ của địa phương và nhà trường.

Còn ở nước ta, Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định một cấp chương trình do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành “để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy và học tập ở các cơ sở GDPT”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 29 của Trung ương, Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu xây dựng chương trình mở, phù hợp với xu thế quốc tế và đáp ứng yêu cầu của bản thân mô hình chương trình phát triển năng lực.

Căn cứ quy định của Nghị quyết số 88, Chương trình GDPT mới quy định: “Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương… Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và báo cáo để Bộ GD-ĐT phê duyệt.”.

Chương trình GDPT mới: Mỗi tỉnh, thành phố được lựa chọn nội dung giáo dục sao cho phù hợp

Ảnh minh họa. Hải Nam.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và cấp THPT, nội dung giáo dục của địa phương có thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết. Theo đó, căn cứ nhu cầu thực tế, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp.

Ví dụ, Hà Nội có thể xây dựng các bài học về văn hóa người Tràng An, văn hóa và pháp luật về giao thông, trật tự vệ sinh đô thị; Thành phố Hồ Chí Minh có thể xây dựng các bài học về thành phố thông minh, văn hóa của công dân thành phố thông minh; Các tỉnh Tây Nguyên có thể xây dựng các bài học về văn hóa các dân tộc thiểu số, kinh tế cây công nghiệp; Các tỉnh Việt Bắc có thể xây dựng các bài học về văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo vệ chủ quyền quốc gia và xây dựng biên giới hữu nghị, an toàn…

Về quyền chủ động của địa phương và nhà trường, Chương trình GDPT mới quy định: “Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội".

Lần đầu tiên, chương trình GDPT của nước ta chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm học, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp.

Đối với cấp tiểu học là cấp học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn đối với những trường chưa có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày. Đối với cấp THPT là cấp học có nhiều môn học lựa chọn, chương trình quy định: “Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.”

Như vậy, có thể hiểu kế hoạch giáo dục của nhà trường là sự cụ thể hóa tiến trình thực hiện Chương trình GDPT (bao gồm nội dung giáo dục của địa phương) phù hợp với điều kiện cụ thể về thời gian, đặc điểm của người học, nhân lực, vật lực,… của nhà trường. Kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng hằng năm dựa trên kế hoạch giáo dục chung và các hướng dẫn trong Chương trình GDPT.

Đặng Hà