Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Sẽ tập trung vào chính sách tuyển sinh các trường sư phạm
Giáo dục - Ngày đăng : 12:26, 15/12/2018
Cụ thể, gần đây dư luận xã hội bàn nhiều về áp lực của các thầy cô đặc biệt sau liên tiếp các vụ việc tiêu cực liên quan đến giáo viên xảy ra, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp”.
Tại buổi tọa đàm Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều chia sẻ với các thầy cô. Bộ trưởng cho rằng: “Ai cũng biết giáo dục đào tạo phải ổn định, nhưng ổn định trong sự thay đổi, bởi thế giới đang đổi thay rất mạnh. Nhưng thay đổi như thế nào cho phù hợp để không tạo ra cú sốc, để đội ngũ giáo viên hưởng ứng một cách thật sự, tạo được động lực cho giáo viên bởi lẽ khi giáo viên thực sự coi đổi mới là nhiệm vụ của mình, tìm thấy cơ hội đổi mới thì giáo dục sẽ thành công".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ tại buổi Tọa đàm áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp.
Bộ trưởng cho rằng nhu cầu chính đáng của mọi người là ai muốn yêu nghề và cống hiến thì công việc phải ổn định và có thu nhập đủ sống. Giáo viên được xem là "nghề cao quý" và "chính sự kỳ vọng này đôi khi tạo ra áp lực cho thầy cô”. Áp lực của người thầy đến từ chính bản thân họ, môi trường, cơ chế chính sách cho đến vị trí việc làm, thu nhập, đãi ngộ phụ cấp,... rồi đến môi trường xã hội, phụ huynh và thậm chí là học sinh.
“Hiện nay, mỗi gia đình thường có 1-2 cháu nên đều tạo điều kiện rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những gia đình chiều con quá mức”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, nghề nào cũng sẽ có những áp lực riêng, nhưng không phải vì thế mà có những biểu hiện đi ngược lại phẩm chất và chuẩn mực.
“Những việc làm không đúng là không thể chấp nhận được. Không thể đổ cho áp lực. Thầy cô vin vào áp lực và có những hành vi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực giáo dục thì chúng ta không chấp nhận. Nhưng không phải vì một số cá biệt ấy mà khái quát lên làm cho phần lớn các thầy cô rất đau lòng, lo lắng.
“Trách nhiệm của chúng ta là chưa đúng thì sửa sai, không sửa được thì phải loại ra khỏi ngành. Những thầy cô làm tốt cần được động viên, khích lệ”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Nói về giải pháp khắc phục những vấn đề này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, trước hết, tới đây sẽ tập trung vào chính sách tuyển sinh các trường sư phạm để nhà trường tuyển sinh được các giáo sinh phù hợp.
“Phù hợp ở đây không phải chỉ là điểm cao. Bởi điểm cao là một điều kiện nhưng nghề giáo cần những phẩm chất riêng. Giáo viên phải có phẩm chất kiên nhẫn, yêu nghề, mến trẻ. Nếu không có những phẩm chất đó sẽ rất dễ xảy ra vi phạm", Bộ trưởng Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng chia sẻ những ý kiến tư vấn phù hợp, Bộ trưởng sẽ cố gắng làm sao chuyển thành chính sách sớm để hỗ trợ các giáo viên yên tâm, cống hiến cho ngành giáo dục.
Đồng thời Bộ trưởng cho rằng, tới đây, ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn như chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí, thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất. Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi, hay sổ sách, đánh giá cũng phải giảm bớt".
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã lắng nghe từ cơ sở, từ giáo viên và sẽ đến những vùng khó khăn nhất để có cái nhìn tổng thể, thực tế và để lắng nghe áp lực của thầy cô. Chúng ta phải nghe từ thực tiễn.
Nhận xét chủ đề của buổi tọa đàm rất hữu ích, Bộ trưởng cho rằng, để nhìn nhận áp lực này cần nhìn rất nhiều thành tố, trước hết từ chính thầy cô và môi trường các thầy cô đang hoạt động. Chúng ta cần những giải pháp căn cơ. Giải pháp nào mà nhận được sự ủng hộ của giáo viên thì sẽ thành công.
Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo viên chịu nhiều áp lực nhưng không vì thế mà đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Và không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà khái quát lên làm cho các thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho các thầy cô yên tâm. Đâu sai thì phải sửa ngay, không sửa được thì đưa ra khỏi Ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ.
Tới đây, sẽ tập trung vào các trường sư phạm, khi nhà trường tuyển sinh được những giáo sinh phù hợp, không chỉ là điểm cao mà còn phải có phẩm chất riêng như: kiên nhẫn, yêu nghề. Nếu không có phẩm chất đó có thể xảy ra vi phạm.
Trong quá trình đào tạo, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường các em có thể tự ứng xử được trước nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực.