Phối hợp chặt chẽ để thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án
Tiêu điểm - Ngày đăng : 20:04, 18/07/2018
Thông tin trên được Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Tư pháp.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại Hội nghị
Hoàn thành 47/48 nhiệm vụ
Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: 6 tháng đầu năm, toàn ngành tư pháp thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%).
Việc triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả, nổi bật là: Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng nghiêm túc hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả; Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, tỷ lệ 52,13%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.571 văn bản; qua kiểm tra đã phát hiện, ra kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Công tác tổ chức thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; tiếp cận pháp luật có chuyển biến, đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 8 tháng đầu năm (tính cả 2 tháng cuối năm 2017) về việc thi hành xong trên 389.000 việc, về tiền thi hành xong trên 19 nghìn tỷ. Thi hành án hành chính đã thi hành xong 145 việc và 102 việc đang tiếp tục thi hành.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 còn có một số tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, PBGDPL chưa cao. Bên cạnh đó, dù được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, nhưng việc nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn chưa đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong công tác THADS, tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt thấp hơn so với cùng kỳ 2017 (giảm 6,98%). Vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, nhất là trong đấu giá tài sản còn nhiều…
Cần nâng cao tỷ lệ thi hành án dân sự
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị và các địa phương đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, THADS; tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp; công tác tổ chức thi hành pháp luật; việc triển khai áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch… Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác tư pháp trong thời gian tới. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đến từ TANDTC, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH và các Sở Tư pháp qua truyền hình trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Mặc dù Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ không áp dụng đối với TANDTC và VKSNDTC nhưng hiện nay, TANDTC cũng đang thực hiện công tác tổ chức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong hệ thống Tòa án. Do vậy, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Quốc hội ban hành Luật về theo dõi thi hành pháp luật để có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các cơ quan. TANDTC cũng mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của Bộ Tư pháp đối với các dự thảo văn bản, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Nhắc đến những con số trong công tác thi hành án dân sự, Phó Chánh án TANDTC đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm nâng cao tỷ lệ thi hành án về tiền. TANDTC cũng sẽ chỉ đạo Tòa án các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự để thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Về trợ giúp pháp lý, TANDTC cũng đã có chỉ đạo Tòa các cấp tạo điều kiện để Trung tâm trợ giúp pháp lý có thể đặt cơ sở trợ giúp pháp lý trong Tòa án để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Về công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử, công tác gửi cán bộ sang Học viện Tư pháp đã có thời gian ngắt quãng, do đó, Phó Chánh án TANDTC đề nghị hai bên kết nối lại, TANDTC sẽ gửi cán bộ của mình tham gia đào tạo về nghiệp vụ xét xử trong thời gian tới. Thông tin về việc TANDTC thực hiện thí điểm mô hình hòa giải đối thoại tại Tòa án ở Hải Phòng, đồng chí mong Bộ Tư pháp, Ban Nội chính Trung ương ủng hộ việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, chất lượng một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu, phải rút ra khỏi Chương trình; việc định hướng dư luận trong công tác xây dựng một số dự án luật chưa tốt. Trên cơ sở đó, đề nghị tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật, triển khai để đảm bảo chất lượng; quyết tâm để các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chấp nhận.Trong đó, lưu ý phải lường trước những quy định nhạy cảm, để có sự thông tin đến nhân dân, để nhân dân tham gia ý kiến. Một số lĩnh vực của ngành chưa thực sự chuyển biến, chưa có trọng tâm, trọng điểm; quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc bộ, với các bộ, ngành chưa thật chặt chẽ…
Đề cập đến vi phạm trong hoạt động hành nghề công chứng, đấu giá tài sản thời gian qua, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời.