Sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị

Giáo dục - Ngày đăng : 16:06, 14/11/2018

Sáng nay (14/11), Bộ GD-ĐT, Trung ương Hội thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình gặp mặt giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018”.

Năm nay, chương trình chia sẻ cùng thầy cô tập trung vào tuyên dương các nhà giáo dạy học sinh khuyết tật trong các cơ sở giáo dục đặc biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ GD-ĐT.

Sau 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 48 gương mặt thầy cô từ các tỉnh, thành phố. Theo đó, giáo viên nhiều tuổi nhất sinh năm 1961 và giáo viên trẻ tuổi nhất sinh năm 1990.

Sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị

Toàn cảnh cuộc họp mặt. Ảnh Ngô Chuyên.

Chia sẻ tại buổi lễ gặp mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nhiều giáo viên đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn trong quá trình dạy trẻ khuyết tật hiện nay. Đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn mà học sinh khuyết tật gặp phải.

Tại buổi gặp mặt, cô Phan Thị Thu Thanh - Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu–– TP. HCM đã chia sẻ với Bộ GD-ĐT những khó khăn về  sách giáo khoa.  Cô Thanh cho biết: “Trường em thường cung cấp sách giáo khoa cho một số trường ở các tỉnh phía Nam. Thường thì chúng em phải mua một bộ sách giáo khoa ở ngoài về và sau đó đánh chữ nổi lên và đưa đi in. Nếu như trong lộ trình sắp tới, mình đổi sách giáo khoa thì lại là một thách thức đối với sách học cho học sinh khiếm thị”.

“Bởi vì, không có một file thì giáo viên phải ngồi gõ từng chữ mà ngồi gõ bằng chữ nổi sau đó đi in rồi sau đó đi chia cho các trường bạn. Nếu được, thì tôi mong muốn Bộ GD-ĐT có thể hỗ trợ, như thế nào đó cho chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn để các em học sinh khiếm thị và học sinh nhìn kém có thể có bộ sách giáo khoa mới”, cô Thanh nói.

Sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị

Cô Phan Thị Thu Thanh - Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu–– TP. HCM. Ảnh Ngô Chuyên.

 “Chúng tôi rất trăn trở là học sinh học xong không có nghề. Dẫu ở TP. HCM có trung tâm hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật, nhưng đối với học sinh khiếm thị thì họ không nhận. Tôi đã từng đưa học trò đến đó xin học nhưng mà họ nói học sinh khiếm thị họ không biết dạy như thế nào. Bởi vậy, tôi nghĩ đã mở ra học nghề thì có thể giúp đỡ thêm công việc làm sao để phát triển được hoặc có những cơ quan, công ty nào đó nhận những người khuyết tật vào làm việc”, cô Thanh chia sẻ thêm về việc học nghề của học sinh khiếm thị.

Lắng nghe những tâm sự của các cô giáo, thầy giáo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc bày tỏ những  xúc động, cũng như ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của các thầy cô trong quá trình dạy trẻ khuyết tật. Thứ trưởng Phúc cho hay, chúng ta lắng nghe, tiếp thu những chia sẻ của các thầy cô, đồng thời tiếp tục hoàn thiện công việc liên quan đến lĩnh vực này để hoàn thiện cho tốt. 

Sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc. Ảnh Ngô Chuyên.

Theo Thứ trưởng Phúc, qúa trình phát triển kinh tế phải đi liền với quá trình chúng ta phát triển xã hội, chúng ta quan tâm đến vấn đề công bằng, bình đẳng không để bất kỳ ai trong xã hội cho dù người đó sinh ra có điều kiện hoàn cảnh như thế nào nhưng tất cả những người đó đều phải được hưởng thành quả của sự phát triển đó thì như vậy xã hội mới văn minh, tiến bộ.

“Trách nhiệm của chúng tôi là thực hiện những vấn đề này, chúng tôi cũng mong mỏi các ngành, các cấp, các đơn vị đặc biệt là các thầy cô ở đây đại diện cho hàng vạn cho các thầy cô ngày đêm đang thực hiện nhiệm vụ, chúng ta tiếp tục nỗ lực để chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ này”, Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh.

Cũng tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Phúc đã gửi lời chúc đến các thầy cô giáo nhân ngày 20/11 dồi dào sức khỏe, giữ được nhiệt huyết để cống hiến tiếp cho sự nghiệp trồng người.

Ngô Chuyên