Bộ trưởng chịu trách nhiệm thì mới nhìn ra lỗ hổng
Giáo dục - Ngày đăng : 08:52, 01/11/2018
Nhiều lần Bộ GD-ĐT đưa văn bản, dự thảo gây tranh cãi trong dư luận xã hội
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trong lúc tranh luận vấn đề là phải nhận ra được trách nhiệm của người đứng đầu, nếu như anh không nhận ra được vai trò dẫn dắt của anh thì sẽ không có được giải pháp hữu hiệu.
“Những xử lý cho cá nhân hoặc cho một tổ tham mưu giúp việc nào đó chỉ là xử lý mang tính chất nội bộ, nghiệp vụ. Còn vấn đề ở đây là rất nhiều lần Bộ GD-ĐT đã có những dự thảo, những văn bản gây tranh cãi trong dư luận xã hội, như vậy cho thấy năng lực quản trị, năng lực quản lý Nhà nước của Bộ máy tham mưu giúp việc và ngay cả Bộ trưởng là có vấn đề”, bà Hiền nhấn mạnh.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, đại biểu Minh Hiền cũng cho rằng nếu mình không nhận diện được vấn đề, không nhìn trực diện vào những hạn chế thì không có những giải pháp hữu hiệu. Dù biết rằng đối với ngành giáo dục có những sai sót và là lĩnh vực rất khó. Không thể nào quy hết trách nhiệm cho Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này, vì có những hạn chế kéo dài từ nhiều năm, trong cả quá trình nhưng vấn đề là thái độ, quan điểm của người đứng đầu trong quản lý bộ máy giáo dục phải nhận thấy rõ trách nhiệm của mình.
Theo đại biểu Minh Hiền, trong giáo dục, người ta vẫn chấp nhận một con người có thể vấp ngã, đứng dậy và trưởng thành. Nếu như anh có quá nhiều cú vấp ngã, mà mỗi lần vấp ngã lại cứ xin lỗi, sửa sai thì đối tượng bị tổn thương không phải là Bộ trưởng hay cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục mà chính là các thế hệ học sinh đang thụ hưởng nền giáo dục nước nhà.
Đại biểu Minh Hiền cũng mong muốn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thấy rằng nỗi lo lắng của bao thế hệ học trò, của phụ huynh học sinh là có thật. Giờ niềm tin của họ không phải sự huyễn hoặc hay cái gì lớn lao ở đề án này, đề án nọ. Vấn đề là học sinh được ngồi trên ghế nhà trường và hưởng thụ nền giáo dục nhân văn. Trách nhiệm của Bộ trưởng rất lớn.
Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm chung cao nhất của ngành
Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu TP.HCM) đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm chung cao nhất của ngành. Đặc biệt là trách nhiệm trực tiếp của Bộ trưởng là rất quan trọng trong quá trình đề ra chủ trương, soạn thảo quy định pháp luật bởi soạn thảo chính sách mà tốt thì đề ra được giải pháp hợp lý và không gây tác hại, phản ứng từ xã hội. Đáng chú ý là trong quá trình soạn thảo thể chế chính sách mà Bộ trưởng trực tiếp bắt tay tham gia, tham gia một cách sâu sát, dành nhiều tâm sức thì sẽ phát hiện kịp thời những điều bất hợp lý, sẽ cho ra “sản phẩm” không có lỗi hay ít lỗi. Còn khi quy định ban hành rồi mà có lỗi thì phải lắng nghe, cầu thị tiếp thu để kịp thời chỉnh sửa hoặc đề xuất chỉnh sửa.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Zing.
“Ai cũng biết Bộ trưởng có quyền phân cấp, phân quyền cho thứ trưởng, rồi thứ trưởng giao đến cấp chuyên viên… nhưng phải xác định rằng Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm chính trị đối với toàn bộ công việc, chính sách mà Bộ mình ban hành ra”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, Bộ trưởng GD-ĐT trả lời việc soạn thảo có vấn đề là “do cấp dưới” thì không hoàn toàn sai nhưng trong trường hợp hợp này trả lời chất vấn như vậy thì không nên vì đại biểu, cử tri muốn thấy trách nhiệm của Bộ trưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bộ trưởng chịu trách nhiệm thì mới nhìn ra lỗ hổng, bất cập để có biện pháp, giải pháp trúng và hiệu quả. Trả lời chất vấn của Bộ trưởng đối với Đại biểu Quốc hội không chỉ là trả lời riêng cho Đại biểu Quốc hội mà chính là trả lời trước cử tri cả nước.
“Đây thực chất là quan hệ cử tri với Bộ trưởng thông qua Đại biểu Quốc hội. Qua đây để cử tri đánh giá, giám sát Bộ trưởng có hoàn thành nhiệm vụ hay không”, ông Nghĩa nhấn mạnh.