TP.HCM không cộng điểm nghề trong tuyển sinh lớp 10

Giáo dục - Ngày đăng : 14:20, 19/10/2018

Theo phương án tuyển sinh Sở GD&ĐT công bố, học sinh sẽ không được cộng điểm chứng chỉ nghề và cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, TP.HCM sẽ không áp dụng chính sách cộng điểm chứng chỉ nghề phổ thông. Nội dung này thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT từ trước kỳ tuyển sinh lớp 10 năm ngoài, Bộ cho phép năm 2019-2020 là năm cuối cùng các địa phương được áp dụng cộng điểm nghề trong kỳ thi lớp 10. 


Theo quy định của Sở GD&ĐT TP.HCM, để xét tuyển vào lớp 10, thí sinh vẫn phải tham dự kỳ thi tuyển sinh tổ chức vào đầu tháng 6/2019 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Điểm thi tuyển là tổng điểm 3 bài thi đã tính theo hệ số và điểm ưu tiên nếu có. Thí sinh trúng tuyển phải đảm bảo điều kiện dự đủ 3 bài thi và không có bài thi nào 0 điểm.

Sở tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh theo 3 nguyện vọng (trừ các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa và Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM).

TP.HCM không cộng điểm nghề trong tuyển sinh lớp 10

Học sinh TP.HCM sẽ không còn được cộng điểm nghề trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh minh họa

Theo quy chế tuyển sinh của TP.HCM các năm trước, học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD&ĐT tổ chức ở cấp THCS: Loại giỏi cộng 1,5 điểm; loại khá cộng 1 điểm; loại trung bình cộng 0,5 điểm. Việc cộng điểm nghề phổ thông chỉ áp dụng đến năm học 2018-2019, không áp dụng từ năm tới, theo quy định của UBND TP.HCM.

Trường hợp được cộng điểm, học sinh là con liệt sĩ, con thương binh mất sức lao động trên 81%, con của người được cấp giấy chứng nhận “người được hưởng chính sách” như thương binh và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được cộng 2 điểm.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), Bộ bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 nhằm tránh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương theo lối hình thức gây mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh, tăng ý nghĩa của giáo dục dạy nghề.


Hiện nay, tình trạng các trường có tổ chức học và thi nghề nhưng mục đích học nghề của học sinh chủ yếu để lấy điểm cộng vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Vì vậy, học sinh học để đối phó. Ngoài ra, những trường hợp được cộng nhiều điểm gây ra sự chênh lệch và thiếu công bằng cho các học sinh khác.

Tại Hà Nội, theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 mới được UBND thành phố phê duyệt cũng thay đổi khi không cộng điểm khuyến khích cho các thành tích học sinh đạt được từ kỳ thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, chứng chỉ nghề... trong cách tính điểm xét tuyển.
 

Chí Tâm