Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền tiếp Đoàn chuyên gia Nhóm Ngân hàng thế giới
Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:51, 12/06/2018
Vui mừng chào đón bà Zoubida Allaoua và các thành viên đoàn công tác, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cảm ơn FCI, WBG và cá nhân bà Zoubida Allaoua đã và đang quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật, liên quan tới hòa giải, phá sản, giao dịch bảo đảm… bằng các chương trình, kế hoạch, hội thảo, tọa đàm để khảo sát pháp luật trong và ngoài nước.
Trao đổi tại buổi tiếp, bà Zoubida Allaoua cảm ơn phía Tòa án Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với IFC, WBG trong hoạt động triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác trong thời gian qua; đồng thời, bày tỏ mong muốn được tìm hiểu thêm về những nội dung mà IFC, WBG quan tâm.
Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền tặng quà chúc chuyến công tác của đoàn tại Việt Nam thành công tốt đẹp
Về những nội dung mà bà Zoubida Allaoua quan tâm như: tiến độ đạt được trong đổi mới lĩnh vực giao dịch bảo đảm (về hạ tầng pháp lý và hệ thống giao dịch bảo đảm), tiến độ đạt được trong việc thực hiện cải cách phá sản và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp thay thế), kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam đối với những hỗ trợ của Nhóm Ngân hàng thế giới trong các lĩnh vực trên, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đã có những trao đổi, chia sẻ cụ thể.
Đối với lĩnh vực giao dịch bảo đảm đã được quy định trong Bộ luật dân sự 2005 và được hoàn thiện, bổ sung tại Bộ luật dân sự 2015, nhằm tạo ra môi trường để các bên thỏa thuận đưa giao dịch trở nên công khai, minh bạch thông qua hệ thống giao dịch bảo đảm. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm; Bộ Tư pháp Việt Nam đang chủ trì xây dựng dự án luật về đăng ký giao dịch bảo đảm và dự án luật về đăng ký bất động sản.
Trong lĩnh vực phá sản, Việt Nam có Luật Phá sản năm 2014 (trong quá trình xây dựng Luật, Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia Nhóm Ngân hàng thế giới nên về cơ bản Luật phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế), Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết liên quan tới phá sản, và dự kiến cuối năm 2018, sẽ tổ chức sơ kết 03 năm triển khai Luật Phá sản để đánh giá, bổ sung, hoàn thiện Luật.
Chia sẻ thêm về lĩnh vực phá sản Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, hoạt động thực tiễn về phá sản của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì tâm lý e ngại của các doanh nghiệp, khi doanh nghiệp đã không còn khả năng hoạt động nhưng cũng không tiến hành đăng ký thủ tục phá sản. Để giải quyết khó khăn này, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền mong muốn phía FCI, WBG hỗ trợ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực phá sản.
Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền chụp ảnh cùng Đoàn công tác
Những hỗ trợ của Nhóm Ngân hàng thế giới đối với các nội dung trên luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Chính phủ Việt Nam, với mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, nhằm tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh tốt hơn, góp phần phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, làm cho pháp luật Việt Nam phù hợp hơn với pháp luật, thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp trong thời gian qua và những dự định hợp tác trong thời gian tới, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền mong muốn, phía FCI, WBG tiếp tục hỗ trợ Tòa án Việt Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán về pháp luật phá sản, giao dịch bảo đảm, hợp đồng; chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; hỗ trợ Việt Nam về chuyên gia, tài chính trong việc xây dựng dự án Luật hòa giải…