5 thử thách các CEO phải đối mặt
Giáo dục - Ngày đăng : 14:15, 24/09/2018
Trong môi trường kinh doanh phức tạp đó, người lãnh đạo cần phải phát triển một loạt các kỹ năng, nhạy bén, thích nghi nhanh hơn và đổi mới tốt hơn để đối mặt với những thách thức diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Vậy những thách thức, khó khăn đó là gì? Hãy cùng tham khảo chia sẻ sau đây từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink nhé!
Cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink
Không thể truyền đạt tầm nhìn đến nhân viên
Một số CEO (Giám đốc điều hành) không có tầm nhìn dài hạn. Họ chắc chắn hiểu rõ công việc đang làm nhưng không có tầm nhìn xa và rộng để đưa công ty phát triển mạnh hơn nữa. Họ bị cuốn vào việc giải quyết các vấn đề hiện tại đến mức không thể tập trung vào những gì ngày mai có thể mang lại. Mặt khác, ngay cả khi các CEO có tầm nhìn mạnh mẽ, họ lại cảm thấy khó truyền đạt điều đó đến nhân viên cấp dưới. Thường thì các tuyên bố về tầm nhìn của họ chỉ “nằm trên giấy” và nhân viên cấp dưới không có “đầu mối” về phương hướng phát triển của doanh nghiệp cũng như sự nghiệp của mình.
Một nhà lãnh đạo giỏi cần có khả năng truyền cảm hứng và truyền đạt tầm nhìn cho cấp dưới. Khi đạt được nhiệm vụ này, họ không chỉ có cái nhìn rõ ràng về tương lai mà còn giúp nhân viên hiểu được đầy đủ mục tiêu, đường hướng của công ty và có kế hoạch làm việc đi cùng với chiến lược phát triển đó.
Gắn bó với điều giúp tạo nên thành công
Một trong những nhiệm vụ chính của nhà lãnh đạo là dẫn dắt tổ chức của họ đi đến tương lai. Thế nhưng, nhiều người trong số họ lại có xu hướng dễ bị “mắc kẹt” với thành công của chính mình trong quá khứ hơn là tập trung vào điều gì đó mới mẻ và thú vị. “Sống” với vinh quang trong quá khứ có thể là điều tệ hại cho các vấn đề trong tương lai trong khi mọi thứ thay đổi quá nhanh trước khi kịp nhận ra. Điều gì mang lại sự thành công trong quá khứ chưa chắc đảm bảo họ sẽ thành công trong tương lai. Do đó, các CEO cần quan tâm đến sự đổi mới, của riêng họ và cả của nhân viên cấp dưới. Nếu không có kế hoạch để tiến về phía trước, doanh nghiệp sẽ sớm bị gián đoạn.
Đánh mất lợi thế cạnh tranh
Sự cạnh tranh đang mọc lên từ mọi góc độ. Những gì doanh nghiệp đã từng tuyên bố là duy nhất không còn là của riêng họ nữa. Đối thủ cạnh tranh đang bán với giá thấp hơn, cung cấp dịch vụ và chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Đối với các CEO, điều rất quan trọng là liên tục tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh. Khi công nghệ đang dần thay thế các cách làm việc cũ thì doanh nghiệp phải phát triển các dịch vụ của họ và mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Do đó để đạt được lợi thế độc đáo, các CEO phải liên tục đổi mới. Chỉ có linh hoạt thích nghi mới có thể giúp tăng thị phần, mở rộng thị trường mới, thu hút và giữ chân được nhiều khách hàng trung thành.
Không thể giữ lại những người tốt nhất
Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều phàn nàn về việc không tìm được người tài thích hợp cho công việc. Những nhà lãnh đạo thường ngần ngại đào tạo nhân viên tiềm năng bởi nỗi sợ rằng đối thủ cạnh tranh sẽ “săn trộm” nhân viên có tay nghề của họ không sớm thì muộn. Ngoài ra, một số nghi ngờ rằng các nhân viên tài năng luôn tìm kiếm cơ hội mới và được trả lương cao hơn, do đó đào tạo họ trở nên tốt hơn có thể không mang lại nhiều lợi ích. Do quan niệm sai lầm này, việc thu hút và giữ chân nhân tài đã trở thành một thách thức lớn đối với nhiều CEO để phát triển doanh nghiệp của họ.
Bí mật để thu hút và giữ chân nhân tài không có nghĩa là trả họ những khoản lương cao chót vót hay khuyến khích bằng vật chất. Các nhân tài được thu hút để làm việc cho một công ty mà ở đó hứa hẹn một nền văn hóa làm việc tuyệt vời: họ muốn được đánh giá cao về những đóng góp của họ và muốn cảm giác “được sống”. Một nền văn hóa tuyệt vời luôn giúp nhân viên trở nên tốt nhất, giống như Zig Ziglar đã nói rằng “Bạn không xây dựng một doanh nghiệp. Bạn xây dựng những con người và sau đó mọi người sẽ xây dựng doanh nghiệp”. Vì vậy, nhà lãnh đạo cần tìm đúng người, giữ chân đúng người và trao quyền để họ nỗ lực hết sức mình.
Trì hoãn thực hiện
Một trong những trách nhiệm chính của CEO là lên ý tưởng, kế hoạch, chiến lược và quản lý, nhân viên chịu trách nhiệm thi hành. Thế nhưng, càng xuống những cấp thấp hơn thì động lực có xu hướng biết mất, nhiều trở ngại được đưa ra dẫn đến việc thực hiện thường mất thời gian nhiều hơn so với kế hoạch trước đó, mặc dù các CEO luôn cố gắng đốc thúc.
Những gì các CEO cần thực thi là giúp cấp dưới ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng. Điều này sẽ làm đơn giản hóa các nhiệm vụ và vì thế năng suất cũng được nâng cao hơn. Thông thường, mọi người sẽ nhầm lẫn sự bận rộn với năng suất, nhưng năng suất là kết quả nhận được cuối cùng. Do đó, các CEO cần phải nhấn mạnh vào kết quả chứ không phải là sự tất bật, quay cuồng ở những nhân viên của mình.