Độc quyền sách giáo khoa, NXB Giáo dục vẫn lỗ 40 tỷ làm sách mỗi năm?
Giáo dục - Ngày đăng : 12:49, 23/09/2018
Độc quyền vẫn lỗ?
Về doanh thu và lợi nhuận SGK, một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, SGK là mặt hàng được quản lý giá bởi Bộ Tài chính và từ năm 2011 đến nay, giá bán SGK không thay đổi.
Trong khi đó, các khoản chi phí đầu vào của hoạt động xuất bản, phát hành SGK đều biến động tăng, từ yếu tố chi phí nguyên nhiên vật liệu (giấy in, điện, nước, xăng dầu,…), chi phí nhân công, tiền công in trả các nhà in đến chi phí vận chuyển đều tăng mạnh qua các năm.
Toàn bộ chi phí này NXB Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, cân đối, hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Do chi phí đầu vào của SGK tăng cao trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB Giáo dục Việt Nam đã tìm nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành sách vẫn không đảm bảo chi phí, dẫn đến việc xuất bản phát hành sách SGK luôn bị lỗ.
Cho đến năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản SGK. Ảnh minh hoạ
Ông Bách cũng dẫn “Báo cáo Kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB Giáo dục Việt Nam” ngày 26/1/2018 của Kiểm toán Nhà nước xác nhận thông tin, trong các năm từ 2015-2017, mỗi năm đơn vị này lỗ khoảng 40 tỷ đồng từ việc làm SGK.
Cụ thể, doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,8 tỷ đồng; Doanh thu SGK năm 2016 là 735,2 tỷ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK: lỗ 43,3 tỷ đồng;
Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu: doanh thu SGK là 703,9 tỷ đồng, lỗ 38,14 tỷ đồng.
Trước tình trạng bù lỗ cho SGK nhiều năm nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã xin được tăng giá SGK lên 10% để phần nào giảm bớt lỗ.
SGK không thiết kế để dùng 1 lần
Về những thắc mắc xoay quanh việc SGK chỉ sử dụng được một lần, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng khẳng định, SGK không thiết kế để học sinh viết vào. Bài tập trong sách là do yêu cầu chuyên môn của một số môn đặc thù như Toán, tiếng Anh nên khi biên soạn các tác giả đã đưa vào dạng bài trắc nghiệm điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi... Cách này nhằm tạo hứng thú học tập, giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.
Để tránh trường hợp học sinh điền trực tiếp vào SGK, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo trong các văn bản hướng dẫn giảng dạy để học sinh có thể sử dụng SGK một cách có hiệu quả, lâu bền. Các tác giả cũng khuyến cáo, nhắc nhở học sinh không được viết vào SGK thông qua những chú thích dưới các bài tập trong SGK.
“Ví dụ, SGK Ngữ văn 7, trang 15 (hoặc Ngữ văn 9, 11) có bài điền/viết vào chỗ trống, cuối trang sách là dòng "Học sinh chép lại và làm vào vở bài tập”, ông Bách lấy dẫn chứng.
Về việc phản ánh "SGK thay đổi hàng năm", Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành, SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GĐ&ĐT phê duyệt. Bất kì chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét và Bộ trưởng phê duyệt. Vì vậy, nội dung sách được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách (2002-2008) đến nay.
Trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lí Nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong SGK một số môn học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.
Trong nhiều năm qua, NXB Giáo dục cũng đã phát động phong trào sử dụng SGK cũ và trên thực tế, trung bình mỗi năm có khoảng 35% lượng SGK cũ được sử dụng lại.
Đơn cử như năm 2018, cả nước có 17 triệu học sinh, theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, trung bình mỗi học sinh chỉ cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả học sinh sử dụng SGK mới, số SGK cần in là khoảng 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018 số lượng SGK được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...