Ranh giới xã hội hóa giáo dục và lạm thu rất… mong manh
Giáo dục - Ngày đăng : 09:47, 20/09/2018
Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng bởi nhiều địa phương chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa tài trợ với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng lợi dụng hội cha mẹ phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa hay mới đây nhất là trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội).
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Trước vấn đề nóng này, ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân đã có một vài chia sẻ với báo chí.
PV: Ông có suy nghĩ như thế nào khi năm nào cũng xảy ra tình trạng lạm thu, dù xã hội rất bức xúc và các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc thanh kiểm tra và cũng có hình thức kỷ luật xảy ra?
Ông Hoàng Văn Cường: Tôi làm trong ngành giáo dục và tôi tin tất cả những người làm trong lĩnh vực giáo dục không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động đóng góp tiền của cha mẹ học sinh. Họ chỉ mong toàn tâm toàn ý lo chuyên môn chứ không phải lo về vật chất, tuy nhiên do đầu tư ngân sách hạn hẹp nên chúng ta có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư.
Nhưng ranh giới xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh nên nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị lạm dụng hoặc làm 1 việc xã hội hóa nhưng lại thành lạm thu khiến xã hội lên án.
PV: Hiện nay, các địa phương đã có biện pháp để chấn chỉnh lạm thu? Nếu các đơn vị thu sai quy định thì cần xử lý người đứng đầu ra sao? Cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra vấn đề về lạm thu?
Ông Hoàng Văn Cường: Việc thu sai ở đây có thể xảy ra 3 trường hợp. Một là đúng nghĩa lạm thu, tức là thu những khoản thu không được phép thu, không có trong quy định dù có thể mục đích là tốt.
Ví dụ khi một lớp học không có điều hòa, nhà trường đứng ra cùng phụ huynh phân bổ cho mỗi học sinh phải đóng 1 khoản tiền nhất định để lắp điều hòa, thì đó là thu sai. Nếu thu sai như thế, xử lý hành chính, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hành chính với vi phạm quy định của ngành, đồng thời phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh.
Trường hợp khác thu có thể đúng theo quy định nhưng việc sử dụng đồng tiền thu ấy là không đúng theo quy định về mặt công khai minh bạch thì đó là sai phạm về mặt tài chính, phải xử lý về mặt tài chính. Nếu trầm trọng hơn là dùng tiền đó vào mục đích tư lợi cá nhân thì phải xử lý nặng hơn.
PV: Thưa ông, ngoài các khoản thu từ học phí, nếu nhà trường không được thu thêm bất cứ khoản nào, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì có đáp ứng được yêu cầu chất lượng?
Ông Hoàng Văn Cường: Trước hết ta khẳng định Chính phủ hiện nay đã có những quy định thể hiện sự quan tâm rất cao cho giáo dục, điều này thể hiện qua việc chúng ta quy định cứng chi 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục, tuy nhiên quy mô ngân sách thấp còn quy mô chi cho giáo dục rất cao, số lượng học sinh và giáo viên rất đông, chi đó chủ yếu chi cho tiền lương và các công việc thường xuyên cho hoạt động giáo dục.
Như vậy phần chi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện dạy học rất ít, khi phương tiện không đủ dẫn đến điều kiện học không đảm bảo để nâng chất lượng giáo dục. Đó chính là cái khó khăn kìm hãm chất lượng, buộc trong ngành giáo dục, nhà trường, phụ huynh mong muốn huy động được thêm đóng góp của xã hội để cải thiện điều kiện giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
PV: Có nhiều băn khoăn về quỹ đen, lạm thu, có ý kiến đề xuất là cần chỉnh lý và ban hành lại điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh bị lợi dụng làm lá chắn, bình phong để thu thêm những khoản ngoài quy định; Cần có cơ chế quản lý minh bạch dân chủ kinh phí vận động xã hội hóa theo Luật ngân sách, phải đưa về chủ tịch UBND phường xã thị trấn để quản lý điều hành theo đúng luật ngân sách. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?
Thông tư 16 đã nói rõ hội cha mẹ phải tham gia giám sát nhà trường trong việc huy động xã hội hóa. Ảnh minh họa. Hải Nam.
Ông Hoàng Văn Cường: Xã hội hóa là đóng góp rất lớn cho cải thiện chất lượng giáo dục, tuy nhiên vẫn còn tình trạng lạm thu. Cơ quan chính quyền ở địa phương phải kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Để tránh tình trạng hội cha mẹ học sinh trở thành vỏ bọc, tiếp tay cho nhà trường làm sai việc đó.
Thông tư 16 đã nói rõ hội cha mẹ phải tham gia giám sát nhà trường trong việc huy động xã hội hóa, trong dự thảo Luật giáo dục cũng nói về hội cha mẹ học sinh phải giám sát chứ không phải tiếp tay cho nhà trường làm việc sai.
Quy định việc sử dụng tiền được đóng góp xã hội hóa đó, trong luật về ngân sách đã quy định rồi, mặc dù đây là tiền của các nhà hảo tâm đóng góp để làm xã hội hóa những vẫn phải tuân thủ mọi thứ minh bạch. Nếu ta thực hiện tốt và phát huy vai trò giám sát của chính quyền địa phương, của cha mẹ học sinh thì sẽ khắc phục được những hạn chế trên.
PV: Theo ông làm sao để mỗi phụ huynh mỗi nhà trường hiểu được về xã hội hóa và các địa phương thực hiện thật nghiêm xã hội hóa và tránh được tình trạng lạm thu?
Ông Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng để làm được việc đó phải có quy định rõ ràng chặt chẽ về việc thu – chi về tài trợ trong các cơ sở giáo dục. Tôi được biết, Bộ GĐ-ĐT vừa ban hành Thông tư số 16, quy định rõ nội dung của xã hội hóa là cái gì, khi xã hội hóa như thế nào, quy định rõ những gì không được lợi dụng xã hội hóa để ràng buộc dịch vụ,… Theo tôi đánh giá đó là thông tư tốt sẽ đưa hoạt động tài trợ trong các cơ sở giáo dục vào khuôn khổ…., qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn lạm thu.
Nhờ vậy, người đóng góp sẽ biết mình cần đóng góp thế nào cho đúng quy định, người thu nhận cũng phải tiếp nhận đúng cách.Việc đưa ra các quy định chặt chẽ như vậy sẽ dễ dàng quy trách nhiệm nếu phát hiện có sai phạm. Một trong những điểm theo tôi là sẽ tránh được khó xử cho các cô giáo khi Thông tư quy định: việc tiếp nhận tài trợ thực hiện thông qua Tổ tiếp nhận.
Các tổ chức, cá nhân khác như Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Như vậy sẽ tránh được tình trạng Ban đại diện phụ huynh thông đồng với nhà trường để lạm thu của các phụ huynh khác và chi sai mục đích.
Tuy nhiên, chúng ta phải tuyên truyền để nhà quản lý giáo dục, nhà trường phải nhận thức rõ muốn xã hội hóa chúng ta phải làm gì, làm như nào và khi nào được xã hội hóa. Chúng ta cũng cần thông tin tuyên truyền cho hội cha mẹ học sinh hiểu rất rõ về nội dung xã hội hóa và vai trò tham gia, giám sát trong công việc xã hội hóa đó để nâng cao nhận thức của xã hội, huy động được đóng góp xã hội cho phát triển giáo dục nhưng không xảy ra tình trạng lạm thu.
Xin cảm ơn ông!