Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tiếp xúc cử tri tại Quảng Ngãi
Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:04, 16/05/2018
Buổi tiếp xúc xoay quanh việc đóng góp ý kiến cho 2 Dự thảo luật sửa đổi là Luật Tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại buổi tiếp xúc cử tri
Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Phạm Thị Thu Trang, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi thông tin tóm tắt dự kiến nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; báo cáo những kết quả đã đạt được của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua.
Theo đó, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21/5 đến ngày 15/6/2018. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết. Ngoài ra, kỳ họp lần này sẽ thông qua các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Sau khi lắng nghe báo cáo tại hội nghị, cử tri đánh giá rất cao chất lượng của các kỳ họp và vai trò giám sát của Quốc hội khóa XIV trong thời gian vừa qua, cũng như những đóng góp hết sức tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, cử tri cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho 2 dự thảo luật sửa đổi là Luật Tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng. Cử tri Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi nêu ý kiến: Tại Điều 6 Dự thảo Luật Tố cáo quy định về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc giải quyết tố cáo, đề nghị bổ sung cá nhân liên quan sau cụm từ tổ chức. Vì, theo ông Dương, nếu không quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân sẽ phát sinh trước mắt khó khăn trong thực tiễn thực hiện công tác xác minh, giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo. Về Khoản 2 Điều 25, ông Dương đề nghị bỏ cụm từ “ phục vụ cho công tác quản lý” để những trường hợp rõ ràng về người, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu chứng minh cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, có cơ sở để thẩm tra xác minh đều được tiếp nhận xác minh và xử lý theo trình tự thủ tục của pháp luật, chứ không dừng lại ở việc thanh tra, kiểm tra, phục vụ trong công tác quản lý.
Điều 29 quy định thời hạn giải quyết tố cáo đối với trường hợp phức tạp và đặc biệt phức tạp tổng cộng lần lượt là không quá 60 ngày và 90 ngày, theo ông Dương là quá ngắn, gây khó khăn cho cơ quan giải quyết. Đối với các trường hợp liên quan đến nhiều cá nhân tổ chức, ông Dương đề nghị quy định cụ thể về thời gian xem xét quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ nhằm kịp thời bảo vệ người tố cáo cũng như người thân của họ, tránh để xảy ra tình trạng xem xét để quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ kéo dài, khi áp dụng biện pháp bảo vệ thì không còn kịp thời, thiếu hiệu quả.
Theo ông Dương, cần bổ sung một số quy định về việc người dân dùng mạng internet, mạng xã hội, truyền thông, viễn thông để tố cáo, đưa tin tạo dư luận cho các cơ quan chức năng phải vào cuộc, xử lý. Trong đó, đối với những thông tin tố cáo có cơ sở, đúng sự thật thì cần thiết quy định rõ việc tiếp nhận, giải quyết cho phù hợp với luật, tổ chức, luật tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch 01 liên ngành về tiếp nhận giải quyết tin báo tố giác tội phạm.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Cử tri Phạm Trung Uy, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi nêu ý kiến: dự thảo Luật Tố cáo cần quy định rõ về điều kiện thụ lý đơn tố cáo và không thụ lý đơn tố cáo. Bởi Điều 30 của dự thảo mới chỉ quy định về điều kiện thụ lý còn điều kiện không thụ lý thì chưa quy định, điều này gây khó khăn cho người giải quyết khi ban hành thông báo không thụ lý tố cáo, dễ dẫn đến người tố cáo phát sịnh khiếu nại. Trong nhiều điều luật và nhiều khoản của dự thảo đều sử dụng cụm từ “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật”, đề nghị xem xét sửa đổi là “Tố cáo hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, vì có nhiều tố cáo cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng sau khi xem xét cơ quan chức năng kết luận không có, nếu theo dự thảo thì phải xử lý người tố cáo vì tố cáo sai sự thật.
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Tòa án, Viện Kiểm sát, ông Uy nêu: Dự thảo không quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao là có mâu thuẫn với các luật về tố tụng. Pháp luật tố tụng quy định trường hợp người bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án, Viện trưởng VKS thì Chánh án Tòa án và Viện trưởng VKS trên một cấp có trách nhiệm giải quyết (Điều 512 Luật Tố tụng dân sự, Điều 340 Luật Tố tụng hành chính và Điều 418 Bộ luật Tố tụng hình sự). Ngoài ra, dự thảo cần xem xét, bổ sung một số quy định về việc người dân dùng mạng xã hội để tố cáo công khai, nhằm tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước phải vào cuộc xử lý… Bên cạnh đó, cử tri Phạm Trung Uy cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ sung, sửa đổi trong các điều luật cụ thể tại các điều như: Điều 8, 9, 10, 24, 26, 27…
Đối với Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, cử tri ủng hộ việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng để bảo đảm cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn. Cử tri cũng đóng góp ý kiến cụ thể tại các điều: Điều 2, 31, 32, 59, 73 của dự thảo luật này.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri các ngành như: Thanh tra, Thi hành án, Sở Tư pháp, quân đội, hải quan… cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo luật này.
Tiếp thu các ý kiến của cử tri, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những ý kiến của cử tri khi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm và tâm huyết, có thực tiễn. Đồng thời, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị trên cơ sở của buổi tiếp xúc cử tri để thảo luận đóng góp ý kiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi sẽ có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo gửi cơ quan soạn thảo về 2 dự thảo Luật Tố cáo và Phòng chống tham nhũng.
Chánh án TANDTC nhấn mạnh: Những ý kiến đóng góp lần này sẽ là thông tin làm tư liệu cho Đoàn đại biểu Quốc hội mang đến diễn đàn Quốc hội, đề nghị các đồng chí trong Đoàn phân công cho các đại biểu Quốc hội chuẩn bị bài phát biểu tại hội trường Quốc hội, trên cơ sở kiến thức của đại biểu Quốc hội và các ý kiến đóng góp của cử tri.