Giải pháp thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm

Giáo dục - Ngày đăng : 16:16, 21/08/2018

Dẫu đã có nhiều phương thức thay đổi trong tuyển sinh cũng như đào tạo ngành Sư phạm, thậm chí nhiều trường đã có địa chỉ làm việc ngay sau khi ra trường mà học sinh vẫn không mặn mà đăng ký vào ngành sư phạm.

Theo một số chuyên gia giáo dục ở Mỹ, vấn đề khuyến khích tài chính chưa hẳn đã phải là điều duy nhất để học sinh theo học ngành sư phạm, mà phải tạo được hứng thú, đam mê và đặc biệt hơn là nghề giáo phải được cô trọng.

Phải được tôn trọng nghề

Trước thực trạng nhiều trường sư phạm không tuyển được sinh viên, dẫu đã có nhiều thay đổi cũng như chính sách thu hút nhân tài. Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Giám đốc Quốc gia Văn phòng đại diện trường Đại học Arizona tại Việt Nam cho rằng, bao giờ cũng có những yếu tố thu hút để kêu gọi học sinh. Với bất cứ ai, khi làm bất cứ điều gì thường sẽ đặt một câu hỏi “Mình sẽ được gì từ điều này?”. Trong trường hợp trả lời được câu hỏi đó thì sẽ giải quyết được một bài toán lớn.

Giải pháp thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm

TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Giám đốc Quốc gia Văn phòng đại diện trường Đại học Arizona tại Việt Nam. Ảnh Ngô Chuyên.

Theo TS Thanh Phượng: “Để thu hút được sinh viên giỏi thì quan trọng nhất là phải cho các em thấy được tầm nhìn, khi học xong các bạn sẽ làm gì? Chẳng hạn có thể có một cơ hội bạn có thể làm được điều gì khác biệt trong cuộc sống hay không?”.

Khi hỏi “Điều gì là động lực lớn nhất của bạn”, mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau. Cho nên khuyến khích về tài chính không phải là duy nhất, bởi vì có những người sẽ tìm thấy ý nghĩa khác của công việc và khi làm được điều gì đó tạo ra sự khác biệt hoặc đem lại một tác động cho xã hội, người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Còn đối Giáo sư Minu IPE – cố vấn cho hiệu trưởng trường Đại học Arizona State University - Mỹ cho rằng: “Ngành sư phạm thu hút được nhiều sinh viên giỏi, ở Mỹ có một chương trình mang tên Teach for America, sinh viên tham gia chương trình này rất được tôn trọng. Trong quá trình học, các sinh viên cũng kết hợp đi thực tập cho nên khi tốt nghiệp không hề có khó khăn gì”.

Giáo sư Minu IPE cho biết thêm, để nâng cao tính chuyên môn, cũng như năng lực cho mỗi sinh viên trong ngành sư phạm, sau mỗi chương trình học, trường  sẽ được thực hành luôn. Thời gian thực hành với mỗi chương trình sẽ căn lượng kiến thức của chương trình học đó”.

Giải pháp thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm

Giáo sư Minu IPE – Cố vấn cho hiệu trưởng trường Đại học Arizona State University - Mỹ. Ảnh Ngô Chuyên.

Nước ngoài họ thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm như thế nào?

Theo Giáo sư Minu IPE để thu hút sinh viên giỏi vào nghề giáo thì phải coi rằng những ngành đào tạo sinh viên là những ngành được tất cả mọi người tôn trọng, đó là là nghề rất cao thượng.

Bên cạnh đó, một trong những phương pháp, cũng như công cụ để giáo viên có thể truyền tải kiến thức cho học sinh chính là công nghệ.

“Chúng ta phải áp dụng công nghệ trong giảng dạy vì thông qua đó người giáo viên sẽ cảm thấy rằng họ có khả năng dùng một phương tiện cao cấp và hiện đại để có thể mang lại tri thức cho sinh viên chứ không chỉ đơn thuần là một người lặp lại những kiến thức đơn giản ở trong sách giáo khoa”, Giáo sư Minu IPE khẳng định.

Cũng theo giáo sư Minu IPE, chúng ta phải công nhận những ai có thành tích, đặc biệt liên quan đến đào tạo giáo viên chẳng hạn như ở trong cấp độ lớp học, cấp độ khoa, cấp độ quốc gia, cấp độ quốc tế. Khi người ta làm được điều gì đó đóng góp cho ngành đào tạo giáo viên thì mình phải công nhận một cách thích đáng.

Dường như, câu chuyện thu hút nhân lực giỏi vào ngành sư phạm vẫn luôn là bài toán khó từ trước đến nay. Dẫu hiện nay nhiều chính sách cải cách của Bộ GD-ĐT, đồng thời các địa phương cũng đã đưa đãi ngộ sau khi ra trường. Thế nhưng nhiều trường, nhiều ngành vẫn không thu hút được thí sinh hiện tượng "mất trắng" sinh viên.

Ngô Chuyên